8 tháng, xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
02:12 PM 25/09/2023

8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Thống kê cho thấy tất cả mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt 20,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ và chiếm 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng năm 2023.

Trong 8 tháng, xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin tới báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết nguyên nhân sự sụt giảm là do với ngành dệt may toàn cầu, lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều, chưa giải phóng hết. Bên cạnh đó còn do lạm phát nên sức mua toàn cầu chưa được khôi phục ở tất cả mặt hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm 8 - 10%, tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may của nước ta trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.

Tuy nhiên, xuất, nhập khẩu dệt may đang có những tín hiệu tích cực. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU cũng khởi sắc hơn. Dự kiến, đơn đặt hàng của ngành dệt may sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023.

Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, chuyên gia SSI cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 của Bảo Việt Securities (BVSC) chỉ ra, chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành dệt, sản xuất sợi, sản xuất kim loại, sản xuất sắt thép gang, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đã có diễn biến tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành sản xuất gỗ, sản xuất trang phục đã quay trở lại tăng trưởng dương trong tháng 8/2023.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn