80 quốc gia được Việt Nam cấp thị thực điện tử
Chính phủ vừa công bố danh sách 80 quốc gia được cấp thị thực điện tử và 37 cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử tại Việt Nam.
Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 79 về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Thị thực điện tử (e-Visa, hay Visa điện tử) là một loại thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày.
Theo Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019 quy định rõ: Việc cấp thị thực điện tử áp dụng với công dân của nước có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này.
Tại nghị quyết này, Chính phủ quyết nghị danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, gồm có: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Đức, Chile, Canada, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Cuba, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Liên bang Nga, Italia, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Mexico...
Cùng với đó, Chính phủ cũng công bố danh sách gồm 37 cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, bao gồm 8 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.
8 cửa khẩu đường hàng không gồm các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc và Phú Bài.
16 cửa khẩu đường bộ là các cửa khẩu quốc tế: Tây Trang (Điện Biên); Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị (Lạng Sơn); Lào Cai (Lào Cai); Na Mèo (Thanh Hóa); Nậm Cắn (Nghệ An); Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình); La Lay, Lao Bảo (Quảng Trị); Bờ Y (Kon Tum); Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh); Tịnh Biên, Sông Tiền (An Giang); Hà Tiên (Kiên Giang).
13 cửa khẩu đường biển gồm các cửa khẩu cảng: Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh); Hải Phòng (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Chân Mây (Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng (Đà Nẵng); Nha Trang (Khánh Hòa); Quy Nhơn (Bình Định); Dung Quất (Quảng Ngãi); Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu); TP.HCM (TP.HCM); Dương Đông (Kiên Giang).
Nghị quyết 79 của Chính phủ về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.