85 doanh nghiệp trong KCN Thăng Long chủ động thực hiện đồng thời 2 phương án sản xuất an toàn
Mới đây, UBND huyện Đông Anh, Hà Nội đã ban hành Văn bản 2434/UBND-KT về việc chấp thuận phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” đối với 85 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp (KCN) Thăng Long.
Theo đó, UBND huyện Đông Anh yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thực hiện theo đúng nội dung phương án được phê duyệt; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của phương án, đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Quá trình thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19, UBND huyện yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ người lao động; thường xuyên cập nhật, rà soát danh sách người lao động và phân loại theo nơi cư trú, phân loại nhóm theo mức độ an toàn (xếp theo thứ tự giảm dần); chủ động thực hiện đồng thời 2 phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" (sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi tại nơi làm việc) và "1 cung đường, 2 điểm đến" (người lao động chỉ di chuyển trên một cung đường, chỉ đến nơi làm việc và nơi ở) ngay cả khi đơn vị chưa có trường hợp nghi nhiễm một cách chặt chẽ, nghiêm túc.
Các đơn vị phát thẻ (giấy) đăng ký lộ trình di chuyển của người lao động, trong đó người lao động phải cam kết di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc theo một cung đường cố định, không di chuyển theo cung đường khác và người lao động phải chịu trách nhiệm cá nhân trước công ty và các quy định hiện hành. Khuyến khích các đơn vị tổng hợp đăng ký nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu, tổ chức mua tập trung và phát cho người lao động, hạn chế việc người lao động tự mua sắm tại nơi ở.
UBND huyện cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo giữ khoảng cách an toàn giữa người lao động; tổ chức phân công lao động hợp lý theo nguyên tắc "dây chuyền cách ly với dây chuyền; phân xưởng cách ly với phân xưởng; ca kíp cách ly với ca kíp" để hạn chế tối đa việc tiếp xúc và thuận lợi cho công tác khoanh vùng, cách ly khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc F1, F2.
Thành lập các tổ, đội COVID-19 thuộc các dây chuyền/ca làm việc/phân xưởng để kịp thời chỉ đạo, nắm bắt, báo cáo tình hình thường xuyên. Khuyến khích chia ca làm việc các nhóm theo mức độ an toàn; phân chia ca nghỉ, giờ ăn hợp lý, tránh tình trạng cùng nghỉ, ăn tập trung tại một thời điểm. Khu vực phòng nghỉ, phòng ăn phải đảm bảo giãn cách tổi thiểu 2m, có vách ngăn phân chia không gian.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho người lao động. Đăng ký, phân loại theo nhóm ưu tiên đối với người lao động đăng ký tiêm vắc xin theo nguyên tắc ưu tiên tiêm trước đối với nhóm nguy cơ cao. Việc cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt của người lao động thực hiện theo hình thức tập trung; đăng ký với một đơn vị cung cấp.
Trường hợp DN không đủ điều kiện về mặt bằng/trang thiết bị phù hợp với phương án "3 tại chỗ", UBND huyện khuyến khích thực hiện việc thuê khu ở tập trung trên địa bàn cho người lao động. Các khu ở tập trung phải đảm bảo tốt công tác phòng dịch như: kiểm soát ra/vào; phun khử khuẩn; kiểm tra nhiệt độ; thành lập tổ, đội COVID-19… Đồng thời thông báo tới UBND xã, trạm y tế xã để phối hợp quản lý.
UBND huyện cũng đề nghị Ban Quản lý các KCN-CX Hà Nội, Công ty TNHH KCN Thăng Long có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc các DN tại KCN Thăng Long trong việc thực hiện nghiêm phương án phòng chống dịch COVID-19 và các quy định về phòng, chống dịch.
"Đối với những DN không xây dựng phương án hoặc xây dựng phương án nhưng không được chấp thuận, Ban Quản lý các KCN-CX Hà Nội, Công ty TNHH KCN Thăng Long có trách nhiệm yêu cầu DN phải tạm dừng hoạt động để xây dựng phương án theo quy định" văn bản nêu rõ.
Quang DũngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.