99,3% DN sử dụng dịch vụ thuế điện tử
Tính từ 1/1 đến 19/8, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện 2.236.934 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 406.887 tỷ đồng và 21.708.427 USD.
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 8, đã có 787.562 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,3% doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 777.916 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 98,1%.
Trong những năm qua, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo đó, Tổng cục Thuế đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử.
Về hoàn thuế điện tử, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 7.253 DN (đạt 95,96%). Số hồ sơ tiếp nhận là 16.278 hồ sơ, đạt tỉ lệ 97,44%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 11.882 hồ sơ với tổng số tiền hơn 68.209 tỷ đồng.
Về hóa đơn điện tử, đã có 903.107 hóa đơn đã được cấp mã, tổng doanh thu trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 22.955 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 2.025 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, ngành thuế cũng đã nỗ lực nâng cấp chuẩn hóa dữ liệu để tương thích với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo kế hoạch, năm 2020, Tổng cục Thuế phải tích hợp 93 TTHC mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính đến ngày 19/8, ngành thuế đã tích hợp 120 TTHC lên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 130% kế hoạch.
Đặc biệt, thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành thuế và 30 năm hợp nhất hệ thống thuế, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát TTHC) đưa thêm 30 TTHC thuế tích hợp (đợt 3) lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phê duyệt xong 30 TTHC thuế tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; nâng tổng số TTHC thuế được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia lên 150 TTHC; đạt 161% kế hoạch được giao.
Cũng theo Tổng cục Thuế, tính đến hết 8 tháng, tổng thu NSNN ước đạt 752.615 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán, bằng 91,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 25.481 tỷ đồng, bằng 72,4% so với dự toán, bằng 64,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nội địa ước đạt 727.134 tỷ đồng, bằng 59,6% so với dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ.
Về công tác quản lý nợ thuế, tổng số nợ thuế tháng 8/2020 có chiều hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa nộp vào ngân sách theo quy định; một số đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng 5, tháng 6 vào ngân sách nhà nước, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ; tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày tăng lên. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, tạo công bằng giữa các DN sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/8/2020 thu đạt 17.515 tỷ đồng, bằng 41,4% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
P.ThủyVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.