AAPA chỉ ra 4 lý do khiến vé máy bay toàn cầu tiếp tục căng thẳng

Thị trường
08:35 AM 17/04/2024

Thống kê mới nhất của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), có 4 lý do khiến vé máy bay toàn cầu tiếp tục căng thẳng trong năm 2024 với mức tăng 3-7%, thậm chí tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Thông tin tại cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam và Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) cho thấy giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.

Cùng chung quan điểm và dự báo với AAPA, thông tin từ báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17-25% so với năm 2019.

Cụ thể tại một số khu vực: Châu Á tăng 21%; Úc/New Zealand tăng 22%; Châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

Giá vé máy bay hạng phổ thông theo cặp thành phố của một số khu vực trên thế giới từ cuối năm 2023 cũng đã tăng, có chặng lên đến 40% so với năm 2019.

AAPA chỉ ra 4 lý do khiến vé máy bay toàn cầu tiếp tục căng thẳng- Ảnh 1.

Vé máy bay toàn cầu tiếp tục căng thẳng trong năm 2024 . Ảnh: Internet

Dẫn chứng nghiên cứu và đánh giá của hiệp hội, ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành AAPA nêu bật 4 nguyên nhân chính lý giải cho xu hướng tăng giá vé máy bay toàn cầu.

Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì. Khởi nguồn cho việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing; trong khi các tàu bay của Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới, thì Boeing đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm chễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không. Tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội tàu bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.

Thứ hai, chi phí nhiên liệu xanh và giá nhiên liệu tăng, khó quay về lại mức cũ trước đây.

Thứ ba, sau thời gian lao đao vì dịch bệnh, các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.

Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện do việc chuyển dịch lao động sang các khu vực khác xảy ra từ thời điểm hoạt động hàng không bị tạm ngưng, gián đoạn thời Covid-19. Vấn đề thiếu hụt này, đặc biệt với bộ phận nhân lực có kinh nghiệm thực tế, đã làm phát sinh các chi phí không chỉ trong việc đào tạo, bổ sung lực lượng, mà còn đi cùng sự gia tăng các chi phí để duy trì ổn định nguồn nhân lực hiện hữu.

Những vấn đề trên sẽ là những gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung, điều này là cơ sở cho các dự báo về xu hướng tăng giá vé trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, giá vé máy bay nội địa tăng cao đang tác động lớn đến việc đi lại bằng đường hàng không và du lịch của người dân. Hiện Việt Nam có 6 hãng bay, song chỉ Vietnam Airlines, Vietjet duy trì đội tàu trên 80 - 100 máy bay, còn lại các hãng khác giảm mạnh quy mô khiến hoạt động vận tải hàng không cung không đủ cầu, giá vé tăng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỷ USD Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỷ USD

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.