ACBS: So sánh chênh lệch GDP năm 2021 so với 2019 giữa Việt Nam và Indonesia, Singapore, Thái Lan...
So với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn Singapore và Indonesia nhưng cao hơn Thái Lan...
Báo cáo vừa qua của CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh trong quý 2 và quý 3/2021 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế cho Việt Nam, khiến GDP cả nước ghi nhận mức sụt giảm theo quý mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Khu vực dịch vụ sụt giảm mạnh nhất trong quý 3/2021, theo sau là khu vực công nghiệp.
Trong quý 4/2021, Việt Nam gỡ bỏ nhiều hạn chế và nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V, cho phép nhiều lĩnh vực bị hạn chế phát triển như dịch vụ và xây dựng. Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng dẫn đầu mức tăng trưởng trong quý 4/2021 nhờ vào công nghiệp chế biến chế tạo – ngành đóng góp lớn nhất vào tổng GDP Việt Nam và điện.
Mặc dù lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm, cũng như khu vực hành chính và hoạt động vui chơi giải trí, tổng khu vực dịch vụ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng 5,4% trong quý 4/2021, và là lĩnh vực tăng trưởng thứ 2 của Việt Nam nhờ vào mảng y tế và cứu trợ xã hội, tài chính ngân hàng và bảo hiểm và mảng thông tin và truyền thông.
Nguồn: GSO
Cả năm 2021, GDP cả nước đạt 2,58%. Tuy vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi “Đổi mới” tự do hóa kinh tếViệt Nam vào năm 1987. Mặc dù mức tăng trưởng thấp kể từ khi bắt đầu đại dịch (2,91% vào năm 2020), Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực tiếp tục ghi nhận những con số tích cực, có nền tảng vĩ mô vững chắc và sẵn sàng đón đầu tăng trưởng khi đất nước bước ra khỏi giai đoạn khó khăn này.
So với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn Singapore ( 7,0%) và Indonesia ( 3,2%) nhưng cao hơn Thái Lan ( 0.9%). Báo cáo nhấn mạnh, Singapore và Indonesia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong năm 2020 và đi lên từ mức thấp (GDP năm 2020 tại Singapore -5,4% và Indonesia - 2,1%), trong khi Thái Lan tiếp tục bị ảnh hưởng bởi ngành du lịch – một trong những lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào GDP của quốc gia này.
Nguồn: World Bank, ACBS
Việt Nam đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ do các doanh nghiệp hiện còn tồn tại đã mạnh hơn với năng suất cao hơn để bắt kịp khoảng trống để lại do giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này có thể được mô tả bằng số liệu về GDP trên mỗi người lao động có công việc trong kỳ theo biểu đồ bên dưới.
Trong khi số người lao động có việc làm thực tế (chính thức và phi chính thức) giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước trong quý 4/2021, GDP trên mỗi lao động có việc làm đã tăng 9,1%.
Nguồn: GSO, ACBS
Hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại đã tìm được cách thích nghi với tình hình mới của dịch bệnh COVID-19 cũng như hành vi mới của khách hàng. Các doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp để đối phó với nguy cơ thiếu nguyên liệu, tắc nghẽn chuỗi logistics hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian giãn cách.
Theo đó, ACBS kỳ vọng GDP cả nước sẽ tăng trưởng 5,5-6,5% trong năm 2022.
Báo cáo chỉ rõ, tuy Việt Nam mạnh mẽ đứng lên từ khó khăn dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ sẽ cần được duy trì xuyên suốt năm 2022 nhằm đảo bảo sự phục hồi bền vững của nền kinh tế khi các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch, như thanh khoản suy giảm và tình hình tài chính bấp bênh (đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Do đó, có thể gây ra những lo ngại về sự ổn định về thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu rủi ro thanh khoản tức thời của hệ thống ngân hàng thông qua các Nghị định 03/2021/TT-NHNN và 14/2021-TT-NHNN.
Về lâu dài, Chính phủ Việt Nam sẽ cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản nhưng có mô hình kinh doanh khả thi nhằm tránh sa thải nhân công trên diện rộng, cải thiện môi trường việc làm và từ đó cải thiện mức sống của người dân, thúc đẩy tiêu dung trong nước.
Ngày 11/1/2022, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt gói tài khóa 291 nghìn tỷ đồng, 46 nghìn tỷ đồng kích thích tiền tệ và 13 nghìn tỷ đồng các gói khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch trong giai đoạn 2022-2023.
Con số này tương đương 15,4 tỷ USD và tương đương 3,2% GDP Việt Nam năm 2021. Theo Chính phủ, gói kích thích tài khóa và tiền tệ này dự kiến sẽ giúp GDP tăng trưởng thêm 2,3% vào năm 2022 và thêm 0,3% vào năm 2023. Điều này sẽ giúp Việt Nam giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 2-3% vào năm 2022.
Gói kích thích tài khóa tập trung vào các lĩnh vực sau:
1. Mở cửa nền kinh tế đi liền với đầu tư nâng cao năng lực y tế cho cả y tế dự phòng và y tế cơ sở (60 nghìn tỷ đồng).
2. Đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng).
3. Hỗ trợ khôi phục doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng).
4. Phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,55 nghìn tỷ đồng).
5. Giảm thuế GTGT từ 2% đến 8% đối với hầu hết các mặt hàng.
Gói kích cầu tiền tệ:
1. Khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm chi phí quản lý và lãi suất cho vay ít nhất 0,5%-1% trong các năm 2022-2023;
2. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, duy trì phân loại nợ để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;
3. Đảm bảo đủ thanh khoản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng đủ điều kiện;
4. Sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch;
5. Tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người bị đình chỉ công việc do COVID-19.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.