ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 6% trong năm nay
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt mức 6% và lạm phát ở mức ổn định 4%.
Sáng 11/4, ADB họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4, trong đó giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay và 6,2% trong năm 2025. Lạm phát duy trì ổn định ở mức 4% trong cả 2 năm.
Dự báo trên của ADB dựa trên tình hình kinh tế đang ổn định phục hồi khi các ngành các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ phục hồi tương đối toàn diện, còn ngành nông nghiệp thì hoạt động ổn định.
Ngoài ra, chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 còn đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực; thặng dư thương mại được duy trì; tiêu dùng trong nước phục hồi và chương trình giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
"Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững", ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay.
Đồng quan điểm, với ông Shantanu Chakraborty, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định: “Triển vọng của nền kinh tế vừa lạc quan, vừa thận trọng, nhờ có sự phục hồi tăng trưởng tương đối toàn diện ở các ngành, các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ. Song nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục tăng trưởng chế biến xuất khẩu của Việt Nam”.
Để thúc đẩy tăng trưởng, ADB nhấn mạnh, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước, phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế. Thị trường vốn non trẻ, phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, còn rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, các chuyên gia của ADB lưu ý, dù tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, nhưng lạm phát cũng nhích lên. Tăng trưởng được hỗ trợ bởi khu vực dịch vụ, sản xuất cải thiện. Quý I vừa qua, mức tăng của ngành chế biến chế tạo cao hơn tăng trưởng toàn bộ khu vực công nghiệp.
Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc triển khai hiệu quả đầu tư công được nhìn nhận có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ADB, Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp đẩy nhanh đầu tư công nhưng vẫn cần các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện quy trình pháp lý, giảm rào cản để dự án thực hiện hiệu quả hơn.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.