ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3%

Diễn đàn
03:20 PM 23/07/2025

Mặc dù được đánh giá là điểm sáng trong khu vực, song Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,6% xuống còn 6,3% trong năm 2025.

Ngày 23/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố ấn phẩm Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2025. Theo đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới, trong đó có Việt Nam.

Việc hạ dự báo này chủ yếu do dự kiến xuất khẩu giảm trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu và môi trường thương mại toàn cầu thiếu ổn định, cùng với nhu cầu trong nước suy yếu.

Cụ thể, ADB dự báo các nền kinh tế trong châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%.

Lạm phát tại khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp cao giúp giảm áp lực giá lương thực. ADB dự báo lạm phát khu vực này ở mức 2,0% trong năm 2025 và 2,1% trong năm 2026, thấp hơn so với mức dự báo lần lượt là 2,3% và 2,2% trong tháng 4.

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3%- Ảnh 1.

ADB vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,6% xuống còn 6,3% trong năm 2025. Ảnh: Internet

Trong khi đó, tại Việt Nam, các chuyên gia ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong năm 2025 và giảm nhẹ còn 6,0% vào năm 2026 (thấp hơn mức dự báo trong tháng 4 lần lượt là 6,6% và 6,5%). Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,9% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026. 

Nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ được công bố đầu tháng 7/2025, theo đó các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp mức thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa Việt tại thị trường Mỹ, vốn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nửa cuối năm 2025 sang đến 2026.

Dù vậy, ADB ghi nhận một số điểm sáng trong nửa đầu năm: giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, với cam kết FDI mới tăng tới 32,6%. Giải ngân đầu tư công đạt 31,7% kế hoạch cả năm – mức cao nhất kể từ năm 2018 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất cho thấy sự chậm lại kể từ cuối năm 2024, nhưng ADB cho rằng nếu các cải cách nội địa được đẩy mạnh, đặc biệt trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua được giai đoạn thử thách hiện nay.

Động thái hạ dự báo tăng trưởng của ADB ngược với nhiều tổ chức quốc tế. Đầu tháng này, United Overseas Bank (UOB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay thêm 0,9% với mức trước đó, lên 6,9%. Ngân hàng Singapore này điều chỉnh dự báo sau khi GDP quý II tăng trưởng vượt kỳ vọng. Mức này vẫn thấp hơn 0,1% so với dự báo trước khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên các nước, gồm Việt Nam.

Năm nay Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Tại hội nghị tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng cụ thể 8,3-8,5% năm nay, để tạo đà đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP quý II đạt 7,96%, vượt dự báo của Bloomberg (6,85%) và UOB (6,1%). Tính chung nửa đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng 7,52%, cao nhất kể từ năm 2011.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa

Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.