ADB: Thuế các-bon của EU có thể tác động hạn chế tới phát thải

Kinh doanh
09:23 AM 26/02/2024

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), phí nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm thâm dụng các-bon được kỳ vọng có tác động hạn chế tới biến đổi khí hậu và chỉ có tác động tiêu cực nhẹ tới các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương.

Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu, dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, sẽ áp phí nhập khẩu đối với các sản phẩm như thép, xi măng và điện, dựa trên lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất chúng. Các khoản phí này nhằm mục đích hạn chế "rò rỉ các-bon", là kết quả của việc những đối tượng gây ô nhiễm chuyển sản xuất từ các quốc gia có quy định nghiêm ngặt hoặc giá các-bon cao sang những quốc gia có quy định ít nghiêm ngặt hơn hoặc giá thấp hơn.

"Tuy nhiên, mô hình thống kê cho thấy CBAM có khả năng giảm lượng phát thải các-bon toàn cầu ít hơn 0,2% so với một cơ chế mua bán khí thải với giá các-bon là 100 euro (108 USD) mỗi tấn và không có thuế các-bon. Đồng thời, các khoản phí này có thể làm giảm khoảng 0,4% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tới EU và khoảng 1,1% xuất khẩu của châu Á sang EU, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của một số nhà sản xuất trong EU", theo Báo cáo Hội nhập Kinh tế Châu Á (AEIR) 2024 được công bố ngày hôm nay.

ADB: Thuế các-bon của EU có thể tác động hạn chế tới phát thải- Ảnh 1.

Hình minh họa - Nguồn: VnEconomy

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: "Bản chất phân tán của những sáng kiến định giá các-bon theo các lĩnh vực và vùng miền, bao gồm cả CBAM, chỉ có thể hạn chế một phần rò rỉ các-bon. Để giảm đáng kể lượng khí thải các-bon trên toàn cầu, đồng thời bảo đảm những nỗ lực về khí hậu có hiệu quả và bền vững hơn, các sáng kiến định giá các-bon cần được mở rộng sang các khu vực khác ngoài EU, đặc biệt là châu Á."

Các tiểu vùng của châu Á có tỷ trọng hàng xuất khẩu thâm dụng các-bon sang châu Âu lớn hơn, nhất là Trung và Tây Á, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi cơ chế CBAM và hệ thống mua bán khí thải của EU. Theo báo cáo, với những tác động phân phối dự kiến, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, cần có các cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy áp dụng rộng rãi việc định giá các-bon.

Báo cáo Hội nhập Kinh tế Châu Á (AEIR) 2024 cũng khuyến nghị các biện pháp khử các-bon trong thương mại quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu. Lượng khí thải các-bon từ những nguồn này đang tăng nhanh hơn so với các nguồn khác và cũng đang tăng nhanh hơn ở châu Á so với các khu vực khác. Một trong số những khuyến nghị là việc thực hiện các chính sách mục tiêu nhằm khuyến khích mua bán các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với khí hậu; hỗ trợ các quy định và tiêu chuẩn môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ xanh; và hỗ trợ các chính phủ và tổ chức quốc tế thúc đẩy đầu tư và cơ sở hạ tầng xanh. Báo cáo tiếp tục kêu gọi hợp tác toàn cầu để xây dựng các khuôn khổ kế toán được chấp nhận rộng rãi nhằm có thể theo dõi lượng khí thải trong các sản phẩm và dịch vụ một cách hiệu quả.

Trong số những kết luận quan trọng khác, AEIR 2024 cho thấy bất chấp những lo ngại về nguy cơ phân tán toàn cầu, các chuỗi giá trị toàn cầu ở châu Á đã phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19. Trong khi quá trình khu vực hóa các chuỗi giá trị toàn cầu đã tiến triển trong những năm gần đây ở châu Á, báo cáo không nhận thấy dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy việc "chuyển về nước" đang thu hút sự chú ý ở châu Á hoặc trên toàn cầu.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.