Agribank: Ngân hàng duy nhất ghi nhận tài sản bảo đảm bất động sản trên mốc 2 triệu tỷ đồng
Agribank vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán với nhiều con số đáng chú ý.
Năm 2022, là một năm khó khăn chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, trước diễn biến khó lường của nền kinh tế, nhất là trên thị trường tiền tệ, kinh doanh ngoại hối, trái phiếu, thị trường chứng khoán, bất động sản…
Agribank đã chủ động bám sát diễn biến thị trường thực hiện linh hoạt các giải pháp để ổn định hoạt động, phát triển kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm; tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trên thị trường II, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản và các tỷ lệ an toàn, tiết giảm chi phí để giữ ổn định hoạt động.
Bên cạnh đó, Agribank thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp…, góp phần phục hồi kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước; khắc phục khó khăn chung của thị trường và toàn ngành Ngân hàng, tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt và là thành viên chủ chốt trên thị trường liên ngân hàng.
Agribank cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán với nhiều con số đáng chú ý.
Theo báo cáo này, tổng lượng tiền gửi huy động của khách hàng đạt 1,627 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2021. Trong khi cho vay khách hàng đạt 1,443 triệu tỷ đồng, tăng trưởng cho vay đạt 9,8%.
Trong năm 2022, giấy tờ có giá được thế chấp tại Agribank cũng tăng mạnh 34% lên hơn 77.000 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng giá trị tài sản thế chấp của khách hàng tại Agribank đã vượt mốc 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.
Bất động sản vẫn là tài sản đảm bảo chủ yếu tại ngân hàng. Trong tổng tài sản thế chấp tại Agribank, bất động sản đạt gần 2,29 triệu tỷ đồng, tăng 13% và chiếm 90%. Agribank cũng là ngân hàng duy nhất ghi nhận tài sản bảo đảm bất động sản trên mốc 2 triệu tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,8%, đạt 1,44 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 5,3%, đạt hơn 1,62 triệu tỷ.
Tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt hơn 76.800 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. Nợ xấu của Agribank ở mức 26.064 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% (năm 2021) xuống 1,81% (năm 2022).
Ngân hàng còn khoản lãi cho vay chưa thu được là 17.178 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí hoạt động tăng vọt 27% lên mức 27.554 tỷ đồng. Trong đó, tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý, công vụ tăng 10% lên mức 24.349 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần tăng 29%, đạt 59.839 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.857 tỷ, tăng 89%. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ thu hồi, xử lý nợ) tăng 21% và đạt 9.825 tỷ đồng. Agribank báo lãi trước thuế năm 2022 đạt 22.087 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước đó. Đây cũng là ngân hàng có lãi cao thứ 5 trong hệ thống, đứng sau Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB.
Tổng tài sản Agribank tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 11,6%. Vốn điều lệ của ngân hàng là 34.446 tỷ đồng. Ngân hàng này nhiều năm liền chưa tăng vốn điều lệ. Agribank có 3 văn phòng đại diện, 3 đơn vị sự nghiệp, 171 chi nhánh loại I, 768 chi nhánh loại II, 1 chi nhánh tại Campuchia và 1.285 phòng giao dịch.
Ngoài ra, Agribank còn có 5 công ty con là Công ty cho thuê Tài chính I Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.