Agriseco Research chỉ ra ba cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành điện trong năm 2022 từ triển vọng đà tăng trưởng trở lại mức 2 chữ số
Triển vọng tích cực cho nhóm nhiệt điện than và nhóm năng lượng tái tạo trong năm 2022; đặc biệt là nhóm nhiệt điện miền Bắc khi được hưởng lợi ngay từ đầu năm do tình trạng thiếu nước và tăng trưởng nguồn điện ở mức khá thấp so với tăng trưởng phụ tải.
Trong báo cáo triển vọng mới đây, Bộ phận phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) đánh giá sản lượng ngành Điện trong năm 2021 tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng bởi COVID-19 và tình trạng giãn cách kéo dài tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.
Sản lượng điện trên toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm ước đạt 213 tỷ kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên xét riêng thì sản lượng của quý 3 đã giảm 7% so với quý 2. Điều này được cho là hợp lý khi thông thường mức tăng trưởng sản lượng điện ở Việt Nam hàng năm gấp khoảng 1,5 lần tới 2 lần tăng trưởng GDP. Theo đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% trong năm 2022 và nền thấp của 2021, Agriseco Research kỳ vọng ngành điện sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm tới.
Lợi thế từ yếu tố thủy văn thuận lợi và dự án Quy hoạch điện VIII
Cụ thể hơn, báo cáo đánh giá tích cực đối với triển vọng nhóm nhiệt điện than và nhóm năng lượng tái tạo trong năm 2022. Đặc biệt, nhóm nhiệt điện than tại miền Bắc có thể sẽ được hưởng lợi ngay từ đầu năm do khu vực này có thể thiếu nước trong các tháng tới và tăng trưởng nguồn điện ở mức khá thấp so với tăng trưởng phụ tải.
Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn, nhóm nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như điện than và thủy điện.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến dự thảo Quy hoạch điện VIII đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành điện nói chung và các nguồn điện nói riêng. Trong đó, thủy điện nhỏ với công suất bổ sung khoảng 6.000 MW sẽ được tập trung khai thác hơn do các dự án quy mô lớn hơn gần như đã hết tiềm năng. Nhiệt điện than và Nhiệt điện khí (tua bin khí) cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo đến 2030 do lợi thế dễ lựa chọn địa điểm nhà máy gần với vùng có nhu cầu phụ tải cao, đặc biệt tại Bắc Bộ.
Mảng năng lượng tái tạo trở thành xu thế của tương lai, chi phí ròng giảm mạnh
Riêng với mảng năng lượng tái tạo, đây được xem là sẽ thay thế năng lượng truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất từ 2045. Nhờ các ưu đãi về giá phát điện, công suất điện mặt trời hiện đã đạt 16.500 MW, chiếm 25% công suất hệ thống và mốc trên 85% quy hoạch đến 2025. Trong khi đó, điện gió đang ở đầu thời kì phát triển khi dự địa tăng trưởng công suất lắp đặt theo quy hoạch còn tới 7k MW đến 2025, CAGR 30%.
Trên cơ sở này, trong tương lai gần 2022-2023, Agriseco Research cho rằng điện gió vẫn sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi trong các năm tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Không chỉ vậy, chi phí ròng trong vòng đời dự án năng lượng tái tạo cũng đang trong xu thế giảm mạnh. Chi phí lắp đặt chiếm phần lớn với trên 50% toàn bộ chi phí của một dự án năng lượng tài tạo đã giảm 7% trong dự án điện mặt trời, giảm 9% trong dự án điện gió ngoài khơi và giảm 13% trong dự án điện gió trên bờ giảm 13%.
Agriseco đánh giá nguyên nhân là nhờ ứng dụng công nghệ và cạnh tranh về giá giữa các nhà cung cấp tuabin và pin mặt trời trên thế giới. Tới đây, chi phí lắp đặt dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ có thể sẽ rẻ hơn điện than trong một vài năm tiếp theo khi thị trường thiết bị dần bão hòa. Xu hướng này sẽ đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà đầu tư vào các dự án mới khi cơ chế giá dần chuyển dịch từ ưu đãi trên mức cố định sang cơ chế đấu thầu.
Mảng điện khí tiềm năng song gặp rào cản từ vốn đầu tư cần rất lớn
Tại mảng điện khí, các nhà máy hiện tận dụng được các mỏ khí trong nước giá rẻ nhưng đang dần cạn kiệt. Agriseco Research cho rằng điện khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch nguồn điện tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là trong bối cảnh hạn chế phát triển nhiệt điện than. Hiện tại các kho chứa LNG đang được xây dựng trên cả nước, trong đó có khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Tuy nhiên, cũng cần để ý rằng khác với các dự án năng lượng tái tạo, một dự án điện khí thường có công suất và vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy các dự án điện khí thường kén nhà đầu tư hơn và việc thu xếp vốn, đặc biệt với các dự án không có bảo lãnh chính phủ. Do đó, Agriseco cho rằng đây sẽ là một rào cản lớn để các dự án điện khí hoàn thành tiến độ vận hành, cùng với thống nhất giá bán điện trong hợp đồng PPA với EVN.
Agriseco Research cũng đưa ra nhận xét nhóm cổ phiếu ngành điện trên sàn chứng khoán nhìn chung có mức định giá khá hấp dẫn so với thị trường, tình hình tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn, phù hợp để nắm giữ dài hạn. Cơ hội đầu tư được chỉ ra gồm 3 cổ phiếu tiêu biểu
Cụ thể, Agriseco Research khuyến nghị cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam. Theo đó, dòng tiền lớn ổn định đảm bảo tiềm lực và nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi huy động vốn cho các dự án mới. Điều kiện thủy văn trong năm 2022 sẽ rất thuận lợi cho kết quả kinh doanh của POW khi nhiệt điện than và khí đang chiếm trên 90% tổng công suất hiện tại. Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng PPA với EVN trong tháng 12/2021 đã chính thức đưa hai nhà máy nhiệt điện Cà Mau (1.500 MW) tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, giúp thu hồi được khoản giữ lại trị giá hơn 800 tỷ đã trích dự phòng trước đó.
Với mảng năng lượng tái tạo tiềm năng, CTCP Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) được kì vọng sẽ sớm phục hồi doanh thu và lợi nhuận nhờ các hợp đồng đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu. REE định hướng đầu tư tập trung vào vào mảng điện gió, hiện đã sở hữu 126MW điện gió và 86 MW ĐMT áp mái và được hưởng mức giá phát điện ưu đãi. Với mảng thủy điện, Agriseco Research dự báo nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) sẽ đạt được đàm phán lại giá PPA với EVN trong 2022, đưa mức giá theo hợp đồng từ 1.016 lên 1.316 Đồng/kWh trong 10 năm.
Trong khi đó, điều kiện thủy văn 2022 thuận lợi cho kết quả kinh doanh cả về sản lượng và giá phát điện của CTCP Nhiệt Điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP). Việc QTP đã điều chỉnh tăng thời gian khấu hao sẽ giúp giá vốn giảm, biên lợi nhuận tăng và giá phát cạnh tranh. Bên cạnh đó, dự kiến QTP sẽ hết nợ vay ngoại tệ trong 2023 giúp chi phí tài chính giảm mạnh, làm giảm sự phụ thuộc của kết quả kinh doanh vào biến động tỷ giá và tạo dòng tiền ổn định (2.000 tỷ) và tạo điều kiện cho việc duy trì tỷ lệ cổ tức cao, từ 10 – 20%.
Phương LinhTrong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...