Ai cũng nhớ pin tháo rời – một hoài niệm đẹp, nhưng smartphone đã đi quá xa để trở về

Sản phẩm - Dịch vụ
03:25 PM 18/07/2025

Chúng ta từng yêu những chiếc điện thoại có thể tháo nắp lưng, thay pin chỉ trong vài giây và tiếp tục sử dụng như mới. Nhưng thời đại ấy đã qua.

Cạch. Tiếng các ngàm nhựa khớp vào nhau vang lên quen thuộc khi nắp lưng được ấn chặt trở lại. Một viên pin mới vừa được thay vào, dung lượng hiển thị lại là 100%. Không cần mang ra tiệm, không phải chờ đợi, chỉ vài thao tác đơn giản và chiếc điện thoại như được hồi sinh.

Đó từng là một đặc trưng quen thuộc của smartphone Android hơn một thập kỷ trước – khi người dùng hoàn toàn có thể tự thay pin tại nhà, và pin tháo rời là một thứ mặc định chứ không phải tính năng hiếm có, chỉ trừ iPhone là "cá biệt". Không ít người dùng đến nay vẫn tiếc nuối thời kỳ ấy, cho rằng sự biến mất của pin tháo rời khiến điện thoại hiện đại trở nên khó sửa, tốn kém hơn và buộc người dùng phải nâng cấp máy sớm chỉ vì pin chai.

Ai cũng nhớ pin tháo rời – một hoài niệm đẹp, nhưng smartphone đã đi quá xa để trở về- Ảnh 1.

Pin tháo rời từng là một thứ hiển nhiên trên smartphone.

Trong một thời gian dài, điều đó không sai. Nhưng ngành công nghiệp smartphone đã thay đổi. Và quan trọng hơn, công nghệ pin cũng đang thay đổi – theo hướng mà không chỉ làm cho việc thay pin trở nên ít cần thiết hơn, mà còn tiến tới mục tiêu tối thượng: người dùng không còn cần luôn bận tâm đến pin nữa.

Pin tháo rời: Một giấc mơ khó quay lại

Smartphone hiện đại đã khác quá xa so với thời kỳ của những chiếc điện thoại như Galaxy S3. Các tiêu chuẩn mới – từ thiết kế nguyên khối, chống nước, sạc không dây, cho đến độ mỏng nhẹ và tính thẩm mỹ – đều gần như không thể dung hòa với một viên pin tháo rời truyền thống. Muốn giữ lại tính năng này, người dùng sẽ phải đánh đổi bằng lớp vỏ nhựa, khe hở lớn, dày và hàng loạt tính năng cao cấp biến mất. LG G5 từng cố giữ lại sự cao cấp trong khi vẫn cho thay pin, nhưng đổi lại là một thiết kế rắc rối kén người dùng và cuối cùng hãng đã rút lui khỏi thị trường smartphone.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu năm 2024 từ Counterpoint Research, hầu hết người dùng thay điện thoại sau khoảng 2,5 đến 3 năm – đúng bằng khoảng thời gian mà pin lithium-ion vẫn chưa hao hụt dung lượng đáng kể. Với những người muốn dùng lâu hơn, việc thay pin tại các trung tâm bảo hành chính hãng – từ Apple, Samsung cho đến Xiaomi, OPPO – giờ đây đã không còn quá trở ngại.

Tuy nhiên, ai cũng muốn pin smartphone có thời lượng sử dụng lâu hơn để không phải sạc hàng ngày. Câu hỏi hiện tại không còn là "vì sao chúng ta không dùng pin tháo rời nữa", mà là: "công nghệ pin sẽ phát triển đến đâu để người dùng không còn phải lo chuyện thay pin nữa?".

Một phần câu trả lời vừa được hé lộ qua mẫu điện thoại gập mới nhất của HONOR – chiếc Magic V5. Thiết bị này sở hữu pin silicon-carbon thế hệ mới với nhiều cải tiến đáng chú ý. Cụ thể, viên pin có hàm lượng silicon lên đến 25% – một con số ấn tượng trong lĩnh vực pin lithium hiện nay – và đạt dung lượng 6.100mAh, cao hơn khoảng 12% so với thế hệ trước, trong khi lại mỏng hơn rõ rệt.

Ai cũng nhớ pin tháo rời – một hoài niệm đẹp, nhưng smartphone đã đi quá xa để trở về- Ảnh 2.

Hai viên pin siêu mỏng của HONOR Magic V5

Theo HONOR, độ dày của viên pin chỉ khoảng 2,1mm – mỏng đến nỗi ban đầu từng bị nghi ngờ là một chiêu trò tiếp thị. Nhưng khi ảnh chụp phần linh kiện bên trong máy được công bố, những lo ngại này nhanh chóng bị xóa bỏ. Dù tăng dung lượng, pin vẫn hỗ trợ sạc nhanh 66W (có dây) và 50W (không dây), cho thấy hiệu năng sạc không bị ảnh hưởng bởi kích thước hay vật liệu mới.

Ai cũng nhớ pin tháo rời – một hoài niệm đẹp, nhưng smartphone đã đi quá xa để trở về- Ảnh 3.

Ở phiên bản quốc tế, Magic V5 sử dụng viên pin 5.820mAh – vẫn thuộc nhóm pin lớn nhất trong thế giới smartphone hiện nay.

Quan trọng hơn cả việc tăng dung lượng, công nghệ silicon-carbon cho thấy cách ngành công nghiệp smartphone đang tiến lên phía trước bằng công nghệ tiên tiến chứ không phải bằng cách "quay lại" lối mòn cũ. Điểm yếu cố hữu là pin dung lượng cao thì phải dày nặng đang dần biến mất.

Giống như việc các flagship hiện nay được hỗ trợ phần mềm tới 7 năm, phần cứng – đặc biệt là pin – cũng đang được thiết kế để "thọ" lâu hơn. Các thế hệ pin mới có khả năng chịu nhiệt tốt hơn, ít bị chai hơn và có chu kỳ sạc xả dài hơn, giúp thiết bị duy trì hiệu năng ổn định suốt nhiều năm. Khi các công nghệ như silicon-carbon hoặc thậm chí pin thể rắn (solid-state battery) được thương mại hóa rộng rãi, người dùng sẽ không còn cần quan tâm đến việc sạc pin thường xuyên nữa – chứ đừng nói đến chuyện tháo nắp lưng ra để thay thủ công.

Ai cũng nhớ pin tháo rời – một hoài niệm đẹp, nhưng smartphone đã đi quá xa để trở về- Ảnh 4.

Nhờ công nghệ pin mới, smartphone màn hình gập dùng mỏng chẳng kém điện thoại bình thường như dung lượng lại đến 6.000 mAh.

Nỗi hoài niệm về thời kỳ tháo nắp lưng thay pin là điều dễ hiểu. Nhưng công nghệ đã thay đổi. Và sự thay đổi ấy đang diễn ra theo hướng tích cực hơn: smartphone vẫn mỏng, đẹp, hiệu quả năng lượng cao hơn, phần mềm được hỗ trợ lâu hơn, pin vẫn đủ lâu.

Pin tháo rời từng là một tiện ích đáng quý. Nhưng ở thời điểm hiện tại và tương lai, những gì người dùng phải hy sinh để có được nó – từ ngoại hình cục mịch, ảnh hưởng khả năng kháng nước/bụi (Galaxy S5 có pin tháo rời và chuẩn kháng bụi nước, nhưng chỉ ở IP67 thay vì 68), đến trải nghiệm sử dụng bị hạn chế – đơn giản là không còn đáng nữa.

Tương lai của pin smartphone nằm ở sự tinh gọn, mạnh mẽ và thông minh – chứ không phải tháo ra, lắp vào như quá khứ. Và một khi các công nghệ như silicon-carbon hoặc pin thể rắn được thương mại hóa rộng rãi, viễn cảnh vài ngày mà không cần sạc – như thời của "cục gạch" Nokia huyền thoại – sẽ không còn là giấc mơ xa vời. Khi cần sạc, công nghệ sạc siêu nhanh hay pin dự phòng siêu mỏng sẽ giải quyết phần còn lại.

Tuấn Nguyễn
Ý kiến của bạn
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 18/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.