AI đang thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chỉ con người mới có thể xử lý được
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá, AI đang thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chỉ con người mới có thể xử lý được, thậm chí vượt qua con người trong một số lĩnh vực.
Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam 2024 (Vietnam Security Summit 2024) khai mạc vào sáng ngày 30/5, thu hút hơn 50 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Vietnam Security Summit đã khẳng định vị thế là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất về an toàn thông tin tại Việt Nam. Tiếp nối những sự thành công đó, Vietnam Security Summit 2024 được khai mạc vào sáng ngày 30/5, dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn IEC.
Sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới nhất về an ninh mạng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp công nghệ bảo mật tiên tiến, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực này.
Sự kiện thu hút hơn 1.000 đại biểu cấp cao phụ trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin đến từ nhiều lĩnh vực. Thu hút hơn 50 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, như Công ty An ninh mạng Viettel, Cloudflare, Sophos, Opswat, CMC, BShield…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá, AI đang thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chỉ con người mới có thể xử lý được, thậm chí vượt qua con người trong một số lĩnh vực. Thị trường công nghệ AI rộng lớn với quy mô khoảng 200 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng vượt xa con số đó với hơn 1.800 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, đóng góp lớn vào không gian tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
AI đang định hình lại gần như mọi ngành công nghiệp - và an toàn thông tin mạng cũng không ngoại lệ. AI đang góp phần cách mạng hóa lĩnh vực an toàn thông tin, trên cả hai chiến tuyến tấn công mạng và phòng thủ hệ thống.
Theo một khảo sát, có tới 85% nhà lãnh đạo an toàn thông tin trên toàn cầu cho biết các cuộc tấn công gần đây được hỗ trợ bởi AI, nhưng cũng có tới 50% các tổ chức trên thế giới sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI vào các công cụ an toàn thông tin mạng nhờ khả năng phân tích các tập dữ liệu lớn với tốc độ cực nhanh, các giải pháp được hỗ trợ bởi AI có thể sàng lọc lượng dữ liệu khổng lồ để xác định hành vi bất thường và phát hiện hoạt động độc hại mà công nghệ truyền thống chưa xử lý được, đặc biệt trong việc xác định kịp thời một cuộc tấn công zero-day mới.
Bên cạnh lợi ích mang lại, công nghệ AI đang được tội phạm mạng sử dụng để dễ dàng chế tạo ra các phần mềm độc hại mới, tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo mới, tinh vi, với nhiều kịch bản tấn công đa dạng, hay sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện các chiến dịch tấn công lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng,…
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại tới 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng (tương đương gần 21 tỷ USD mỗi ngày), con số đó dự kiến sẽ tăng lên 9.500 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công bằng Ransomware. Đồng thời, có hơn 353 triệu người đã bị ảnh hưởng do vi phạm dữ liệu với chi phí trung bình toàn cầu của một vụ vi phạm dữ liệu lên tới 4,45 triệu USD. Đây là những con số biết nói, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ AI.
"Do đó, chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng những ưu điểm của công nghệ AI mang lại để tìm ra những giải pháp ứng phó kịp thời và ngăn chặn những mặt tiêu cực của công nghệ này mang lại. Tôi muốn lưu ý rằng, để tạo ra một không gian mạng an toàn, bảo vệ người dân trước các nguy cơ tấn công từ không gian mạng, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách hay các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng. Đảm bảo an toàn thông tin cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó mỗi cá nhân và mỗi tổ chức đều phải ý thức được chịu trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin của mình. Quá trình này đòi hỏi tính liên tục và thường xuyên, cùng nhau hợp lực để đối phó với những mối đe dọa an toàn thông tin ngày càng tinh vi, phức tạp", ông Long nhấn mạnh.
Trại Triển lãm, các giải pháp tiêu biểu được trưng bày, giới thiệu trong sự kiện bao gồm: chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trưởng thành ATTT (Cyber Security Maturity Program – CSMP); phát hiện rò rỉ dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, bảo mật đám mây; bảo mật Internet vạn vật (IoT), bảo mật 5G, bảo mật di động, bảo mật ứng dụng, bảo mật điểm cuối, CNAPP, DDoS, XDR, tấn công giả mạo, ransomware, bảo mật IT/OT, bảo mật ICS, SOC/SIEM, IAM/PAM…
Những chủ đề chuyên sâu được bàn thảo tại Vietnam Security Summit 2024 bao gồm: bảo vệ các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; an toàn dữ liệu và quyền riêng tư trên môi trường mạng; quản lý rủi ro an toàn thông tin mạng; bảo mật di động và ứng dụng.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra lễ khai trương Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhật HàTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.