AI Marketing: Định hình tương lai của ngành tiếp thị trong kỷ nguyên số
Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là marketing. Các công cụ và công nghệ AI không chỉ nâng cao hiệu quả và độ chính xác mà còn mở ra những cơ hội mới để cá nhân hóa các chiến dịch marketing và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
AI Marketing chính là sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và các chiến lược tiếp thị, giúp doanh nghiệp có thể phân tích hành vi người dùng một cách tự động và đưa ra các quyết định chiến lược nhanh chóng. Thay vì dựa vào những phỏng đoán hoặc dữ liệu từ các cuộc khảo sát truyền thống, AI có thể thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, từ đó tạo ra các chiến dịch quảng cáo phù hợp và tối ưu hóa các hoạt động tiếp thị.

"Chìa khóa vàng" cho các nhà tiếp thị kết nối sáng tạo với khách hàng
Trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển vượt bậc, AI Marketing đã trở thành xu hướng chủ đạo, thay đổi cách thức hoạt động của ngành marketing với nhiều cơ hội và thách thức.
Theo nghiên cứu của McKinsey, 65% doanh nghiệp toàn cầu đã áp dụng AI trong các hoạt động marketing. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực và thuật toán học sâu, AI giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh chóng nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa chiến lược tiếp cận.
Nghiên cứu của LinkedIn cho thấy 58% marketer sẵn sàng sử dụng công cụ AI để hỗ trợ công việc hàng ngày, trong khi 77% từ HubSpot cho rằng AI giúp họ tạo nội dung cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Ảnh bìa một tạp chí do AI tạo ra
Nếu trước kia tiếp thị truyền thống, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào các phương tiện quảng cáo như TV, radio, và báo chí để tiếp cận khách hàng. Các chiến dịch quảng cáo thường được thiết kế dựa trên các dữ liệu quá khứ và mang tính chất đại trà, không nhắm vào đối tượng cụ thể.
Đến nay, tiếp thị hiện đại với sự hỗ trợ của AI cho phép doanh nghiệp tiếp cận từng đối tượng khách hàng một cách cá nhân hóa. AI đã giúp các nhà tiếp thị thu thập, phân tích và tận dụng lượng lớn dữ liệu từ người tiêu dùng để tạo ra thông điệp, ưu đãi và nội dung được thiết kế riêng biệt, phù hợp với sở thích và hành vi của từng cá nhân.
Dữ liệu này có thể được sử dụng để dự đoán sản phẩm hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng quan tâm, từ đó cung cấp những gợi ý phù hợp. Kết quả là, các chiến dịch marketing có thể hướng trực tiếp vào nhu cầu, mong muốn và thói quen mua sắm của khách hàng, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi cao hơn, tương tác có ý nghĩa hơn với các thương hiệu và tiết kiệm chi phí tiếp thị.
Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ trong ứng dụng AI, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và marketing kỹ thuật số. Giữa bối cảnh thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp lớn như Tiktok, Shopee và Lazada đã áp dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng, tối ưu hóa chương trình khuyến mãi và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Nghiên cứu của Bain & Company dự báo rằng 80% doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng AI để cải thiện hiệu suất marketing vào năm 2025, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh.

Nghiên cứu của Bain & Company cũng dự báo rằng 80% doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng AI để cải thiện hiệu suất marketing vào năm 2025. Ảnh: Báo cáo Affiliate Marketing 2025
Theo Báo cáo Affiliate Marketing 2025 của ACCESSTRADE Vietnam, nền tảng thương mại điện tử Shopee đã sử dụng AI để phân tích hành vi mua sắm và cung cấp các đề xuất sản phẩm cá nhân hóa thông qua tính năng "Gợi ý hôm nay". Theo báo cáo nội bộ của Shopee, tính năng này đã giúp tăng doanh thu trung bình 15% trong năm 2024. Lazada cũng đã áp dụng AI trong các sự kiện bán hàng lớn của họ, cụ thể sự kiện 11/11 năm 2024 của Lazada đạt mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc.
Ngoài ra, AI có khả năng hiểu biết sâu sắc người tiêu dùng thông qua việc phân tích dữ liệu. Khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ của AI là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho các nhà tiếp thị. AI có thể nhận diện các mô hình và xu hướng trong hành vi người tiêu dùng mà con người khó có thể phát hiện ra, hoặc mất nhiều thời gian để phân tích.
Ví dụ, các công cụ phân tích do AI cung cấp có thể theo dõi các nền tảng mạng xã hội để phát hiện các đề cập đến thương hiệu, sản phẩm hoặc ngành hàng, và cung cấp phân tích cảm xúc theo thời gian thực. Các nhà tiếp thị có thể theo dõi tâm lý người tiêu dùng, phát hiện vấn đề tiềm ẩn và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Mức độ hiểu biết này giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, tối ưu hóa chiến dịch marketing, lựa chọn thời gian tốt nhất để ra mắt chiến dịch mới, và thậm chí dự đoán xu hướng trong tương lai.

Trước đó, thương hiệu Nike đã tạo nên một bước đột phá với chiến dịch "Nike By You", tận dụng trí tuệ nhân tạo AI để mang đến cho khách hàng trải nghiệm cá nhân hóa chưa từng có. Thay vì đơn thuần mua giày có sẵn, người dùng có thể tự do tùy chỉnh từng chi tiết từ màu sắc, chất liệu đến họa tiết, tạo ra đôi giày mang dấu ấn cá nhân độc đáo. AI không chỉ ghi nhận mà còn phân tích những lựa chọn này, giúp Nike thấu hiểu sở thích của từng khách hàng và nắm bắt nhanh chóng các xu hướng mới.
Hay mới đây, thương hiệu giày dép Crocs đã hợp tác với ABLO, một nền tảng thiết kế thời trang AI, để cho phép mọi người sử dụng AI thiết kế miếng đính trang trí Jibbitz của riêng họ. Crocs vốn đã chú trọng đến tùy chỉnh cá nhân hóa, một chiến lược đã giúp thương hiệu tăng doanh thu 4% so với năm 2024. Giờ đây, những mảnh Jibbitz, có thể cắm vào các lỗ trên thân giày và quai giày để cá nhân hóa theo sở thích người dùng, đã được AI đưa lên một tầm cao mới.
AI đã hỗ trợ các thương hiệu này xây dựng chiến lược tiếp thị nhắm đến nhóm khách hàng cụ thể, giúp tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch thông qua các hệ thống đề xuất và chatbot thông minh. Điều này không chỉ nâng cao sự hài lòng của khách hàng mà còn tăng mức độ trung thành với thương hiệu.
AI là công cụ hỗ trợ đắc lực nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người
AI đang ngày càng trở nên quan trọng tuy nhiên, sự xuất hiện của AI trong marketing mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Theo báo cáo của McKinsey, có đến 400 triệu đến 800 triệu người có thể bị thay thế bởi AI vào năm 2030, dẫn đến sự lo lắng về an ninh việc làm trong các ngành nghề truyền thống. Điều này khiến nhiều marketer lo ngại về việc AI sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng, tăng tỷ lệ thất nghiệp trong ngành.
Báo cáo từ HubSpot cho thấy 47% các marketer bày tỏ lo ngại rằng sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm chất lượng công việc và giảm giá trị của ngành, dẫn đến mức lương trung bình trong ngành có thể bị ảnh hưởng. AI có thể tự động hóa nhiều công việc lặp đi lặp lại, làm giảm nhu cầu về những kỹ năng cơ bản và từ đó, ảnh hưởng đến mức lương của các vị trí này.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), một thách thức lớn đối với các nền tảng mua sắm trực tuyến là việc "làm hài lòng" các trợ lý ảo AI. Bởi lẽ, khi công nghệ ngày càng phát triển, trải nghiệm người dùng trên các nền tảng e-commerce sẽ được trợ lý AI "đánh giá" trước. Các marketer khi ấy cần phải điều chỉnh chiến lược của mình, dựa trên dữ liệu lớn và máy học (machine learning).
Việc tạo ra nội dung và sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn cả tiêu chí lựa chọn theo thuật toán của AI. Nhìn ở góc độ này, AI cũng là một "người" tham gia đưa ra quyết định. Do đó, nếu chỉ nghiên cứu hành vi người tiêu dùng thuần túy như cách truyền thống thôi vẫn chưa đủ mà phải đồng thời nghiên cứu thêm ảnh hưởng của AI đến quyết định mua hàng. Đặc biệt, việc bảo mật dữ liệu và đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng cũng là một thách thức lớn khi AI ngày càng được tích hợp sâu vào các chiến lược marketing.
Chia sẻ về vấn đề ứng dụng AI và dữ liệu, các chuyên gia cho rằng AI là công cụ hỗ trợ đắc lực nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người. Marketing vẫn cần sự sáng tạo, kết nối cảm xúc với khách hàng và quản lý thương hiệu – những yếu tố mà AI chưa thể làm tốt như con người.
Cụ thể, khi ứng dụng AI, các doanh nghiệp vẫn cần lưu ý một số yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả và duy trì tính bền vững. Trước hết, cần giữ vững yếu tố sáng tạo và nhân văn, bởi dù AI có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu và tối ưu hóa quy trình, nhưng khả năng sáng tạo đột phá và kết nối cảm xúc với khách hàng vẫn là thế mạnh mà con người đảm nhận tốt hơn.
Những thương hiệu thành công sẽ là những thương hiệu biết cách kết hợp độ chính xác của AI với nghệ thuật kể chuyện chân thực, chiều sâu cảm xúc và sự nhạy bén văn hóa, nhằm tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Trong tương lai, AI sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong ngành marketing, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Việc hiểu rõ và ứng dụng AI một cách hiệu quả sẽ là chìa khóa thành công cho các marketer trong thời đại số.
Các nhà tiếp thị cần không ngừng đổi mới chiến lược nội dung, tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Các doanh nghiệp nên chủ động theo dõi xu hướng và đầu tư vào đào tạo AI cho đội ngũ của mình để khai thác tối đa sức mạnh công nghệ, tạo ra các chiến lược tiếp thị sáng tạo và mang lại kết quả vượt trội.
Huyền My
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số quyết định hoàn thuế năm 2025 lũy kế đến ngày 23/3/2025 là 3.705 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 29.236 tỷ đồng, bằng 108% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024.