Ấn Độ áp thuế tối đa 30% với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam
Nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa, Ấn Độ sẽ áp dụng mức thuế từ 12% - 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc trong vòng 5 năm tới.
Theo báo Nikkei Asia, Bộ Tài chính Ấn Độ vừa ban hành sắc lệnh về việc áp dụng mức thuế từ 12% - 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, như ống thép và ống thép không gỉ hàn trong vòng 5 năm tới.
Dù là quốc gia sản xuất thép thô lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ vẫn nhập khẩu ròng thép trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2024.
Theo các nhà phân tích, động thái mới của Ấn Độ nằm trong chiến lược nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa. Với việc áp đặt các biện pháp thuế quan này, New Delhi hướng tới cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và mục tiêu duy trì các mối quan hệ kinh tế.
Với thị trường Ấn Độ, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 164.000 tấn sắt thép, tương đương 117 triệu USD trong tháng 8 vừa qua, tăng 256% về lượng và tăng 211% về kim ngạch so với tháng 8/2023.
Theo lũy kế 8 tháng, Ấn Độ đã nhập khẩu tổng cộng hơn 462 nghìn tấn sắt thép, trị giá 429 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 15% về lượng và tăng 40% về kim ngạch.
Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng sang Ấn Độ đạt 927 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ.
Trước đó vào cuối tháng 8, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc điều tra bao gồm cả thép không hợp kim và thép hợp kim.
Các sản phẩm thép dẹt cán nóng trong diện điều tra của Ấn Độ thường được sử dụng trong công nghiệp ô tô, đường ống dẫn dầu và khí đốt/thăm dò, sản phẩm thép cán nguội, sản xuất ống, kỹ thuật và chế tạo nói chung, thiết bị xử lý xi măng, phân bón, nhà máy lọc dầu, chuyển động trái đất...
Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước bán thép nhiều nhất vào Ấn Độ. Trong năm tài chính 2023-2024, kim ngạch nhập khẩu thép của Ấn Độ từ Việt Nam trị giá 722 triệu USD.
Theo đánh giá sơ bộ của Chứng khoán Dầu khí (PSI), hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong trung và dài hạn. Các biện pháp áp thuế chống bán phá giá của nhiều thị trường thép lớn như EU hay Ấn Độ đã cho thấy xu hướng bảo hộ ngành thép nội địa đang diễn ra mạnh hơn trên thế giới.
Huyền My (t/h)Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, sáng 6/10, thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”.