Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá

Quốc tế
11:58 AM 17/07/2023

Để tránh nguy cơ lạm phát gia tăng, quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu là Ấn Độ đang xem xét việc cấm bán các loại gạo ra ngoài biên giới. Trong tình hình giá gạo toàn cầu đang rất cao, khó khăn của quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới lại là cơ hội cho Việt Nam.

Hãng Bloomberg cho biết Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ngoại trừ basmati. Theo các nguồn tin, giới chức trách của quốc gia Nam Á này đang muốn tránh nguy cơ lạm phát nhiều hơn trước cuộc bầu cử quan trọng.

Được biết, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước, nhưng nó có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu vốn đắt đỏ lên cao hơn nữa.

Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá - Ảnh 1.

Công nhân bốc gạo từ một xe tải để chuẩn bị đưa lên tàu tại Kakinada Anchorage, cảng xuất khẩu gạo ở bang miền Nam Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó người dân châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo tiêu chuẩn đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm do lo ngại rằng hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại sẽ gây thiệt hại cho mùa màng.

Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu và đã tìm cách thắt chặt xuất khẩu một số loại gạo.

Năm 2022, quốc gia Nam Á này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá - Ảnh 2.

Các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giai đoạn 2022-2023. Nguồn: Statista.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Ấn Độ xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại khiến Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu.

Trong ngắn hạn, với nguồn cung có sớm từ vụ lúa đông xuân, sản lượng, giá gạo Việt Nam dự kiến vẫn ở mức tốt. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An,…được hưởng lợi trong thời gian tới.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia,...) gia tăng. Với dự báo này, Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức khi chưa thực sự đa dạng hóa thị trường, vẫn có dấu hiệu phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm như Philippines hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, vì người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

"Tuy nhiên, gạo Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong dài hạn; phối hợp với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo gia tăng cả về giá lẫn sản lượng gạo xuất khẩu", ông Nam cho biết.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản

Với vị trí địa lý thuận lợi, sức phát triển cùng các chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc và nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.