An Giang: “Chiến dịch” sản xuất, cấp và quản lý CCCD, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại do những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, trong năm qua, cùng với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an tỉnh An Giang đã quyết liệt "chạy đua" với thời gian để thực hiện 2 dự án: Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai nhằm xây dựng Chính phủ số, xã hội số, góp phần quan trọng trong đổi mới công tác quản lý nhà nước về ANTT, nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an. Đã có những thành công rực rỡ được ghi nhận và còn đó cả những thách thức vẫn đang ở phía trước.
Ngoạn mục cán mốc "chiến dịch" giai đoạn 1
Nhận thức được tầm quan trọng của 2 dự án, để tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng vào cuộc trong việc thực hiện hai dự án, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia phối hợp với lực lượng Công an vận động, tuyên truyền để nhân dân nắm được chủ trương, mục tiêu, lợi ích của việc cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử, từ đó chủ động đến làm CCCD.
Ban Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện việc cấp CCCD trên địa bàn chấp hành nghiêm điều lệnh, lễ tiết, tác phong khi tiếp xúc với nhân dân. Đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống" cũng như công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Cũng như kịp thời động viên và trao thưởng nóng cho nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc hoàn thành các cột mốc, hạn mức đặt ra, với tổng trị giá mức thưởng trên 400 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện 2 dự án, Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động thêm nguồn nhân lực, trang thiết bị để tăng cường, hỗ trợ cho các địa phương đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra.
Thượng tá Lê Văn Đấu, Trưởng Công an huyện Chợ Mới, một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thực hiện dự án, sớm hơn 35 ngày so với quy định, chia sẻ: "Công an huyện luôn quán triệt trong cán bộ, chiến sĩ không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử văn hóa, tận tụy phục vụ nhân dân. Khắc phục khó khăn, đảm bảo 3 ca/ngày, luân phiên thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD; chủ động có cách sắp xếp thời gian phù hợp, không để xảy ra trường hợp "máy chờ người hoặc người chờ máy", tránh lãng phí thời gian, công sức… cần thiết thì tăng giờ, thêm buổi, làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, thậm chí làm việc xuyên đêm để quyết tâm hoàn thành được nhiệm vụ…".
Tính đến ngày 01/6/2021, Công an cả nước đã đạt mốc thu nhận 50 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử, hoàn thành chỉ tiêu trước 1 tháng so với kế hoạch đề ra; làm sạch được 80% dữ liệu dân cư quốc gia trên hệ thống, tạo cơ sở vững chắc để cấp số định danh cho 100% công dân trên toàn quốc và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia. Đóng góp vào thành công chung đó có sự nỗ lực không ngừng của lực lượng Công an tỉnh An Giang.
Ngoạn mục cán mốc sớm hơn 17 ngày so thời gian quy định, thu nhận được 879.781 hồ sơ/878.400 hồ sơ (đạt 100,16% so chỉ tiêu được giao vào ngày 01/7/2021). Theo đó, đến ngày 14/6/2021, Công an An Giang đã hoàn thành 101,01% về thực hiện cấp CCCD có gắn chíp điện tử cho người dân, kết quả công tác làm sạch dữ liệu dân cư đã đạt 98,05%.
Những con số ấn tượng trên đã giúp Công an tỉnh nhà vượt qua nhiều tỉnh thành trong cả nước, vinh dự là một trong những địa phương tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện "Chiến dịch lịch sử" của ngành Công an.
Dốc lực cho giai đoạn 2 trong tình hình dịch bệnh cam go
Kể từ khi làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 với những diễn biến bất ngờ, nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh hơn, quy mô và phức tạp hơn trên phạm vi toàn cầu, theo đó, cuộc chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào giai đoạn thử thách quyết liệt với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, xã hội vừa phòng, chống dịch bệnh.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh thêm: "Để tập trung cho công tác chống dịch, Công an toàn tỉnh đã tăng cường hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ lên tuyến biên giới chống dịch, cũng như tăng cường cho các địa phương bùng phát dịch trong nội địa, do đó tiến độ thực hiện thu nhận, cấp CCCD đã phải tạm gián đoạn gần 4 tháng sau thời gian xuất sắc "về đích" theo chỉ tiêu của Bộ Công an giao giai đoạn 1.
Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và UBND tỉnh, kể từ đầu tháng 11/2021, Công an tỉnh đã nhanh chóng triển khai kế hoạch chỉ đạo phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các địa phương chủ động xây dựng phương án, giải pháp, lộ trình, thời gian thực hiện để vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch, vừa tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu dự án đề ra".
Trước thực trạng số lượng công dân cần phải thu nhận hồ sơ cấp CCCD trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều, trong khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an yêu cầu địa phương phải hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận đến ngày 31/12/2021, Đại tá Bùi Bé Năm - Phó Giám đốc Công an tỉnh quyết liệt chỉ đạo, Công an các địa phương cần căn cứ tình hình dịch COVID-19 và số công dân chưa thu nhận trên địa bàn để linh hoạt trong cách thu nhận; trong đó phải ưu tiên triển khai thu nhận đối với các xã thuộc vùng xanh, vùng vàng, thu nhận cuốn chiếu theo từng địa bàn khóm, ấp…
Đồng thời, quá trình thu nhận hồ sơ cấp CCCD phải kết hợp chặt chẽ công tác làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu công dân tiêm chủng vắc xin và đặc biệt là phải chú trọng đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh cho lực lượng tham gia thu nhận hồ sơ và người dân. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tốt nhất có thể.
Nghiêm túc thực hiện chủ trương trên, Công an các đơn vị địa phương đã nhanh chóng tiếp tục triển khai "chiến dịch" với phương pháp "dễ làm trước, khó làm sau", "ngày làm xa, đêm làm gần". Chủ động rà soát, phát thư mời người dân đủ điều kiện cấp CCCD đến các trạm cấp CCCD tương ứng với từng khung giờ cụ thể.
Song song với đó, việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" là một trong những cách làm đã phát huy hiệu quả tối ưu trong việc làm sạch dữ liệu đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống", điều chỉnh kịp thời những thông tin bị trùng lắp, sai sót, từ đó góp phần đẩy nhanh tiếp độ thu nhận hồ sơ, giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí đi lại của bà con.
Mọi công tác đều được tiến hành đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, với việc đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo ANTT, vừa phòng, chống dịch, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ tiếp tục thực thiện "chiến dịch" với hơn một triệu hồ sơ cần thu nhận.
Cùng với những nỗ lực quyết tâm của lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở, trong sự đồng thuận lớn của các cấp các ngành, sự hợp tác chủ động của quần chúng nhân dân, mong rằng, trong thời gian sớm nhất có thể, Công an An Giang sẽ hoàn thành chỉ tiêu được Bộ Công an giao trong giai đoạn 2 còn nhiều cam go, thử thách vì dịch bệnh. Góp phần sớm hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD trên toàn quốc cho tất cả mọi công dân đủ điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Văn Dương - Hòa TrangDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.