An Giang: Chức sắc tôn giáo cùng đồng hành chống dịch COVID-19
Với phương châm "Ai ở đâu ở yên đó", hưởng ứng lời kêu gọi trên, Công an tỉnh An Giang đã và đang cùng các cấp, các ngành tranh thủ sự đồng tình của các chức sắc tôn giáo nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân có thân nhân đang lao động tại các tỉnh thành khắc phục khó khăn, hợp tác tốt với chính quyền sở tại trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn hiện có trên 2.500 người đi lao động ngoài tỉnh, chủ yếu là đồng bào Khmer. Tâm lý muốn được trở về đoàn tụ cùng gia đình ngay trong thời điểm dịch bệnh đầy cam go là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi nơi đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, thì "tại chỗ" vẫn là lực chọn an toàn nhất.
Ông Kim Seng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, tại địa phương, chúng tôi cũng thường xuyên tranh thủ các vị chức sắc, chức việc, tôn giáo đồng bào dân tộc Khmer để tổ chức, tuyên truyền vận động cho bà con có thân nhân đang lao động ở ngoài tỉnh nên an tâm ở lại địa phương thực hiện tốt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường vận động các nguồn hỗ trợ, tài trợ để kịp thời chia sẻ cho bà con nhân dân trên địa bàn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại có con đi làm ăn xa, không thể phụ giúp thu nhập cho gia đình tại các thành phố lớn vẫn chưa thể về được do dịch bệnh.
Không chỉ lo cho đồng bào cái ăn trong bối cảnh khốn khó, việc duy trì và củng cố niềm tin, sức mạnh tinh thần cho nhân dân lại càng trở nên cấp thiết. Trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, động viên đồng bào, Đại đức Chau Sóc Chanh - Trụ trì chùa Nam Quy Dưới, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, sư tha thiết kêu gọi bà con, đồng bào dân tộc của mình, đang làm ăn ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh… hãy yên tâm.
Chúng ta không nên quay về địa phương vì địa phương chúng ta cũng đang có dịch. Khi chúng ta quay về mà chưa được phép của chính quyền địa phương thì chúng ta sẽ tạo lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mình. Nếu có khó khăn gì thì chúng ta cần nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các Mạnh thường quân đang thực hiện công tác cứu trợ để được hỗ trợ kịp thời.
Chính sự động viên từ người đứng đầu trong vùng đồng bào dân tộc không chỉ là động lực mà còn giúp họ nhận thức sâu sắc hơn mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay để tự mình và vận động người thân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Là bậc cha mẹ, ai mà không mong muốn được sống cạnh con cháu, thế nhưng mỗi người phải tạm gác lại cái riêng tư để cùng bà con nhân dân lo cho cái đại cuộc. Ông Chau Si Na - người dân ấp Phnôm pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn đã nhiều tháng qua vẫn chưa được gặp các con của mình chia sẻ: "Chú có hai đứa con gái và hai con rể hiện làm công nhân ở huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh, ở nhà cô chú cũng rất nhớ các con, nhưng nghĩ về mà không đảm bảo được an toàn thì thà là ở lại để tự bảo vệ mình, nên chú vận động mấy đứa nó ở đâu yên ở đó. Vì đi đâu cũng bị cách ly. Đợi khi nào hết dịch thì về cho an tâm".
Còn gia đình ông Chau Nho, ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn thì không khỏi xúc động trước sự quan tâm thường xuyên và kịp thời của các lực lượng chức năng đối với gia đình ông. Vui mừng vì nhận được nhu yếu phẩm giúp gia đình ông cải thiện từng bữa an, gọi điện trực tiếp cho người con trai của mình ở TP Hồ Chí Minh, ông căn dặn: "Con đừng đi đâu khi không thật sự cần thiết, ở trong phòng cho an toàn. Nếu có đi ra ngoài thì nhớ đeo khẩu trang. Chừng nào hết dịch con muốn về thì về. Ở nhà có Nhà nước lo cho cha mẹ nên con cứ yên tâm".
Song song trong công tác vận động, an sinh xã hội, công tác chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ ra vào liên xã, liên huyện, liên tỉnh, đặc biệt là các khu vực bị phong tỏa, cách ly là một trong những giải pháp tối ưu, tạo lá chắn thép trong hàng trăm lá chắn đảm bảo an toàn cho nhân dân trước những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Đại dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi khi mọi nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các lực lượng luôn nhận được sự hợp tác và đồng thuận lớn từ nhân dân.
Văn Dương - Hòa TrangBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.