An Giang: Công bố Nghị quyết thành lập thị xã Tịnh Biên
Tối 25/4, An Giang tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 721/NQ - UBTVQH15 ngày 13/2/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 15 về việc thành lập thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên.
Thị xã Tịnh Biên (An Giang) được thành lập trên cơ sở huyện Tịnh Biên với diện tích 354,59 km2; dân số 143.098 người và 14 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, thị xã Tịnh Biên được thành lập không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tịnh Biên, mà còn là niềm vui chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang. Đây là tiền đề, là sự khởi đầu mới, là động lực để TX Tịnh Biên tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, xây dựng TX Tịnh Biên xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, trở thành đô thị trẻ năng động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân Tịnh Biên và tỉnh An Giang.
Thị xã Tịnh Biên có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài gần 20 km, nên có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch thông qua cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên và tuyến Quốc lộ 91, Quốc lộ N1 chạy ngang địa bàn. Đây là cầu nối giao thương quan trọng nối thị xã Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung với các tỉnh vùng ĐBSCL và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, kinh tế của Tịnh Biên có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, thu ngân sách tăng nhanh, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan.
Hiện toàn TX Tịnh Biên có trên 2.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 5.500 lao động. Đặc biệt, địa phương có dự án khu phức hợp điện năng lượng mặt trời tại xã Văn Giáo với diện tích 60ha, xã An Hảo 275 ha và Khu công nghiệp Xuân Tô 300 ha đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Về tiềm năng du lịch, thị xã vùng biên giới Tịnh Biên sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, rừng tràm Trà Sư… thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Năm 2022, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch của thị xã đạt hơn 3,04 triệu lượt người, doanh thu hơn 322,9 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Tịnh Biên tiếp tục đặt mục tiêu phát triển thế mạnh từ "ngành công nghiệp không khói" trong những năm tới.
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, ông Trần Thành Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao Nghị quyết số 721/NQ - UBTVQH15 ngày 13/2/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 15 về việc thành lập thị xã Tịnh Biên và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo đó, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) được thành lập trên cơ sở huyện Tịnh Biên cũ với diện tích 354,59 km2; dân số 143.098 người và 14 đơn vị hành chính cấp xã, phường gồm: An Phú, Chi Lăng, Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn, Tịnh Biên và 7 xã An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Tịnh Biên được công nhận là thị xã thuộc tỉnh, đây là sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân tỉnh An Giang nói chung, thị xã Tịnh Biên nói riêng, đã tập trung mọi nguồn lực, tâm huyết, đoàn kết, vững tâm xây dựng và phát triển thị xã theo định hướng và quy hoạch đạt được nhiều thành quả trong phát triển đô thị.
"Trong niềm vui, phấn khởi của sự kiện quan trọng này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tôi biểu dương sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân đã có quyết tâm xây dựng Tịnh Biên trở thành thị xã thuộc tỉnh; biểu dương các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã chung tay, góp sức tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển đô thị Tịnh Biên như ngày hôm nay", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội biểu dương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo khai thác tối ưu các tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, nhằm thực hiện tốt vai trò là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây của tỉnh An Giang.
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy những yếu tố tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã; tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác với các địa phương nước bạn để tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề dịch vụ, thương mại, kinh tế biên mậu và du lịch.
Bên cạnh đó, Tịnh Biên cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị; quá trình đô thị hóa phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Tịnh Biện cần tiếp tục chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả.
Sau khi công bố Nghị quyết thành lập thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện có 2 thành phố là Châu Đốc và Long Xuyên; 2 thị xã gồm Tân Châu và Tịnh Biên và 7 huyện gồm: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn và Tri Tôn.
Văn Dương - Hồng Ân“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.