An Giang: Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Với đường biên giới dài gần 100 km, tình hình hoạt động của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, kinh doanh hàng hoá nhập lậu trong tỉnh An Giang vẫn diễn ra tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các địa bàn biên giới.
Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến kinh tế thị trường nói chung và địa bàn tỉnh An Giang nói riêng, giá của các mặt hàng như: xăng dầu, vật tư y tế, phân bón... có nhiều biến động. Các ngành, các cấp đã có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nhằm ổn định thị trường; các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động dự trữ, cung ứng hàng hoá; không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá...
Trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, tuần tra kiểm soát khép kín, vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vừa phòng chống các loại tội phạm. Song, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra với mật độ nhỏ lẻ; hàng lậu được các đối tượng tập kết sát biên giới, các đối tượng chờ thời cơ thuận lợi, nhanh chóng đưa vào nội địa tiêu thụ; quá trình vận chuyển các đối tượng tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng để canh coi, giám sát các cơ quan chức năng, sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại để thông tin cho nhau, đồng thời đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện, có trường hợp thanh lập doanh nghiệp, tạo "lớp vỏ bọc" doanh nhân để đối phó với sự truy bắt của các lực lượng chức năng thậm chí chống trả quyết liệt nhằm tẩu tán hàng hóa nhập lậu.
Điển hình như đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 5kg vàng 9999 do đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cầm đầu. Hiện đối tượng đang bị khởi tố với rất nhiều tội danh.
Hay vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu vực tuyến sông Châu Đốc thuộc địa phận ấp Phước Quản, xã Đa Phước, huyện An Phú, khi lực lượng chắc năng tiến hành kiểm tra, bắt giữ 2 xuồng máy do 2 đối tượng điều khiển vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về TP. Châu Đốc để tiêu thụ. Ngay sau khi hàng hóa bị bắt giữ, Lê Minh Điện (chủ hàng) đã cùng 4 đối tượng khác dùng xuồng máy đuổi theo lực lượng chức năng, đâm vào phương tiện chở hàng nhằm giật lại hàng hóa. Hiện đã có 7 bị can bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ" để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Song song đó, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế. Gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa đó (đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bột ngọt và xà bông).
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới mang lại hiệu quả rõ rệt; kịp thời bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng liên quan.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp địa phương kiểm tra tuyến biên giới.
Cụ thể trong năm 2021 và quý I/2022, các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ 628 vụ, trên 350 đối tượng, trị giá hàng hóa trên 46 tỷ đồng. Qua đó, đã làm giảm rõ rệt tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh, nhất là việc vận chuyển hàng lậu bằng xe mô tô trên tuyến Quốc lộ 91, không để phát sinh, hình thành các điểm nóng về buôn lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; công tác đấu tranh đạt hiệu quả cao, đánh trúng các đường dây buôn lậu lớn, khởi tố, điều tra làm rõ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo được sự răn đe đối với số đối tượng khác và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng đến mọi mặt về kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Với đường biên giới dài tiếp giáp Campuchia sẽ là điều kiện để các đối tượng gia tăng khả năng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả với nhiều phương thức, thủ đoạn, phức tạp và tinh vi hơn.
Ngoài ra, tình hình vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, kết hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin nên rất khó trong công tác quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, sự an toàn, tính hợp pháp của hàng hóa... gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính, đặc biệt có thể gây nguy hại đến quyền lọi, sức khỏe người dân và người tiêu dùng.
Trước những nguy cơ và thách thức đan xen, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, băt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, kịp thời xử lý triệt để các ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để hình thành các điểm, địa bàn phức tạp.
Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với nhóm các mặt hàng có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: xăng dầu, dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc lá, đường cát, hàng điện tử… đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và việc (quảng cáo, ghi nhãn mác thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hoá để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.
Song song với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, cần chú trọng hơn nữa công tác phối hợp với các ban, ngành, cơ quan thông tin và truyền thông thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn lậu, phương thức, thủ đoạn thường được các đôi tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn, tập trung vào các địa bàn, tuyến, khu vực trọng điểm để vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, không tham gia, tiếp tay, bao che đối với hoạt động này.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng buôn lậu nghiêm trọng, kéo dài thuộc chức năng, địa bản lĩnh vưc quản lý… Tất cả cùng dốc sức, đồng lòng vì một nền kinh tế thị trường bình ổn và phát triển.
Hồng Ân - Bích TrâmGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.