An Giang: Đi đôi phòng, chống 'giặc lửa' với 'giặc dịch'
Vẫn trong bộ quân phục Cảnh sát, vẫn thông thạo các kỹ năng của một người lính cứu hỏa, nhưng hơn một năm qua, cùng với đồng bào và chiến sỹ trong tỉnh, màu áo ấy của lực lượng PCCC và CNCH tỉnh An Giang lại được phủ thêm màu trắng và xanh của nền trời… "công tác nghiệp vụ" lại được trang bị thêm một trọng trách mới thời cuộc hơn, "nghiệp vụ" của một người "lính cứu hỏa thời dịch".
Lực lượng PCCC và CNCH tỉnh An Giang luôn trong tâm thế chủ động, không chủ quan lơ là, với trọng trách bảo vệ an toàn cho 8.397 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh hiện nay, trong đó có: 306 trụ sở cơ quan hành chính các cấp; 382 cơ sở y tế; 1.111 cơ sở xăng dầu, khí đốt... Đây là những nơi thường xuyên tập trung đông người, khối lượng tài sản lớn; do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy tại những cơ sở trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, đảm bảo môi trường an toàn lao động, chủ động trong bảo vệ tài sản, tính mạng con người.
Tuy nhiên, trước những tác động nặng nề của tình hình dịch bệnh COVID-19, cùng thực tế đáng lo ngại tại nhiều nơi, việc chấp hành các quy định về PCCC vẫn chưa thực sự nghiêm túc, chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, công tác tuyên truyền về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) gặp phải nhiều khó khăn, bất cập. Nhưng bằng mọi nỗ lực và quyết tâm, tập thể cán bộ chiến sỹ lực lượng PCCC và CNCH tỉnh An Giang đã chủ động đổi mới phương pháp, cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phong phú, dễ hiểu, đơn vị đã xây dựng, đăng phát nhiều loạt phóng sự, phát thanh, đưa hơn 2.600 lượt tin tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo điện tử, báo in, truyền hình, fanpage, mạng xã hội…).
Bên cạnh đó, khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thời gian dịch bệnh được kiểm soát ổn định, công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cấp cơ sở và các hộ kinh doanh cá thể; công tác thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… vẫn được triển khai, nhưng đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, với trên 1.300 lượt người tham gia; 30 buổi thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn toàn tỉnh, với 650 lượt CBCS tham gia diễn tập. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu số vụ cháy nổ trong thời gian phòng chống dịch. Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy (2 nhà ở kết hợp, 5 nhà đơn lẻ); thiệt hại ước tính khoảng 9,7 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ nguyên nhân 5 vụ (3 sơ suất trong sử dụng lửa, 2 sự cố điện); 2 vụ đang tiếp tục điều tra. Các vụ cháy xảy ra đều xuất xe kịp thời và chữa cháy có hiệu quả.
Song song với công tác chuyên môn, cán bộ chiến sỹ lực lượng PCCC và CNCH từ tỉnh đến cơ sở luôn nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng nhận và lên đường làm nhiệm vụ "khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến". Ngay sau khi tỉnh An Giang có chỉ đạo về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến nay, lực lượng Công an tỉnh An Giang, trong đó có lực lượng PCCC và CNCH với 191/271 cán bộ chiến sỹ đã tình nguyện tham gia chống dịch, nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt, góp phần giữ vững ANTT, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đặc biệt, trong số 191 cán bộ chiến sỹ kể trên có rất nhiều đồng chí tham gia ngay từ ngày đầu ra quân (tháng 3/2021), đến nay vẫn tình nguyện bám trụ lại cùng lực lượng chống dịch địa phương, với quyết tâm "chưa hết dịch thì tôi chưa về".
Với "nghiệp vụ" của một người "lính cứu hỏa thời dịch", hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ lực lượng PCCC đã được điều động tăng cường hỗ trợ Công an tại nhiều huyện, thị đầu nguồn, biên giới… nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh (TX Tân Châu; các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành…) bất kể nắng mưa, bất kể ngày đêm, tham gia trực đảm bảo ANTT tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 (cả đường bộ lẫn đường thủy), hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các khu vực phong tỏa, cách ly. Tham gia Đại đội Truy vết Công an tỉnh trong công tác khoanh vùng, dập dịch. Xác định, bóc tách F0 đưa đi điều trị, bóc tách các F1, F2… ra khỏi cộng đồng để đưa đi cách ly tập trung, đảm bảo không bỏ sót bất cứ trường hợp nào.
Trên cơ sở tham gia công tác phòng, chống dịch cùng các lực lượng khác tại các địa phương, công tác PCCC và CNCH cũng được tuyên truyền lồng ghép để nâng cao nhận thức, ý thức phòng cháy chữa cháy trong Nhân dân và cộng đồng ngay trong thời điểm dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, người dân thường ở nhà, nên việc đun nấu, sử dụng các thiết bị điện thường tăng cao, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Trước tình hình đó, lực lượng PCCC và CNCH đã phối hợp với các lực lượng phòng, chống dịch khác, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền song song kiến thức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn PCCC tại gia đình, ý thức chủ động về PCCC tại những khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, tại khu phong tỏa, khu cách ly, điều trị…
Đồng thời, lực lượng còn tham gia tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh… đảm bảo ANTT tại các địa bàn đóng quân. Bên cạnh đó, nắm bắt được những khó khăn, thiếu thốn, những bất tiện trong sinh hoạt, đi lại của nhân dân, nhất là người dân trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly, lực lượng đã chủ động vận động nguồn hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng khác đưa từng phần nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ gia đình, giúp người dân an tâm, vững tin chống dịch.
Chặng đường chống dịch vẫn còn dài và lắm gian nan, hy vọng rằng, với quyết tâm "vì bình yên cuộc sống" của nhân dân, lực lượng PCCC và CNCH từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục cùng với các lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân bằng mọi nỗ lực chống "giặc lửa, giặc dịch" trên mọi mặt trận, góp phần sớm trả lại trạng thái xã hội bình thường mới cho cộng đồng. Xứng đáng viết tiếp chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (4/10/1961 - 4/10/2021) và 20 năm Ngày Toàn dân PCCC (4/10/1961 - 4/10/2021).
Văn Dương - Hòa TrangKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.