An Giang: 'Đón dân, rước cả nghĩa tình'
Sau nhiều ngày chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đón công dân tỉnh An Giang (đợt 1) đang sinh sống tại các tỉnh, thành có dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trở về địa phương, ngày 26/9, Ban Tổ chức đón công dân của tỉnh đã phân công 3 mũi công tác xuất phát đến các tỉnh thành nơi có gần 300 công dân (là những người già yếu, trẻ em, phụ nữ mang thai) đã đăng ký về An Giang chuyến này.
Xuất quân đón dân…
Lực lượng tham gia rước công dân đợt này khá hùng hậu gồm các lực lượng Công an, Y tế, Lao động thương binh xã hội, Giao thông vận tải và đặc biệt là hàng chục đoàn viên thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn An Giang đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Đúng 1 giờ sáng, sau lệnh xuất phát hàng chục chiếc xe của 3 mũi công tác lao vào màn đêm vốn đã tĩnh mịch nay càng thêm im vắng vì dịch bệnh đang hoành hành. Tâm trạng chung của cả đoàn lúc này rất hào hứng vì sắp thực hiện một nhiệm vụ đầy tính nhân văn, được hun đúc bằng tình đồng hương, nghĩa đồng bào.
Nhóm phóng viên chúng tôi tháp tùng theo mũi công tác của Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức đón công dân đến tỉnh Bình Dương trước 6h sáng, lúc này đã có lác đác vài người dân đến điểm tập kết là Bến xe khách Bình Dương (thời gian đón công dân được quy định từ 6h - 8h sáng). Có người được người thân chở, có người tự chạy xe máy đến và số còn lại thì được xe khách của các địa phương tại tỉnh Bình Dương lần lượt chở đến điểm tập kết.
Diễn biến…
Ban đầu chúng tôi hình dung công việc đón rước công dân cũng khá đơn giản và sẽ thực hiện được nhanh chóng. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hàng loạt những công việc được gấp rút thực hiện, trong đó có không ít những khó khăn, thử thách. Khoảng 7h số công dân đến đã rất đông, mỗi người đều phải thực hiện công đoạn lấy mẫu xét nghiệm nhanh, mặc dù ngày hôm trước tất cả họ đã được xét nghiệm PCR, cho thấy sự cẩn thận và chu đáo của Ban tổ chức. Vì số lượng người lấy mẫu xét nghiệm khá đông, trong đó có những mẫu xét nghiệm cần phải kiểm tra kỹ kết quả, do vậy công việc này bị ùn ứ mất một thời gian.
Trong số 133 công dân được đón về tại Bình Dương đợt này, thì hầu hết trong số đó là các chị em đang mang thai từ 7 tháng trở lên, còn một số ít là các cụ già và trẻ nhỏ. Hình ảnh hàng trăm bà bầu bụng đã vượt mặt, nặng nhọc di chuyển cho đến những cụ già 70 - 80 tuổi và em bé vài ba tuổi phải đứng ngồi chờ đợi khá lâu để lấy mẫu xét nghiệm, trong khi nắng càng lúc càng gay gắt, làm cho mặt sân trong bến xe khách trở lên ngột ngạt, nóng bức càng thấy thương cảm mọi người, vì muốn trở về quê hương mà phải chịu đựng.
Tranh thủ tác nghiệp, chúng tôi lựa chọn một vài chị mang bầu và một số cô chú bác đã thực hiện xét nghiệm nhanh và có kết quả âm tính để phỏng vấn. Sau phần hỏi tên, quê quán chúng tôi hỏi cảm xúc của mọi người như thế nào khi được đón về An Giang. Vừa dứt tiếng "về An Giang" hầu hết đều rưng rưng nước mắt hoặc òa khóc ngon lành, vì câu hỏi này hình như đã chạm đến một nỗi niềm khôn tả, chính là nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh em đã dồn nén qua bao ngày xa cách vì dịch bệnh. Đồng thời, các bà bầu đều có chung niềm hy vọng trong những ngày sinh nở sắp tới, sẽ có nhiều vòng tay yêu thương, chăm sóc của người thân gia đình nơi quê nhà và hôm nay điều mong mỏi ấy sắp thành hiện thực. Vì vậy, ai cũng nghẹn ngào nói lời mừng vui và cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh nhà.
9h sáng, sau hơn 3 tiếng trong bộ quần áo bảo hộ dày bịch lực lượng y tế liên tục thực hiện thành thục lấy các mẫu test nhanh, còn các bạn thanh niên tình nguyện đều đã có vẻ thấm mệt, họ di chuyển liên tục hô to "Chị nào về Tịnh Biên", "Cô chú nào về Phú Tân"… họ chủ động xách từng túi xách, vali lớn tiếp cho bà con và sắp đặt ngay ngắn vào xe, họ còn hỗ trợ mặc giúp những bộ đồ bảo hộ cho những cụ già và các chị mang thai nhiều tháng, không thể tự mặc được bộ đồ đặc hữu này. Chúng tôi quan sát thấy nhiều đôi găng tay bó sát đã ướt sũng, những tấm chắn đã nhòe nước, đầu tóc đã bết lại vì những giọt mồ hôi đổ không ngừng. Mặc nắng nóng và mệt mỏi, kể cả hiểm nguy của dịch bệnh họ vẫn thực hiện nhanh chóng công việc của mình với tất cả sự nhiệt tình của những người đồng hương.
Một tốp công dân đã "đủ điều kiện" đang chuẩn bị lên xe khách Phương Trang (đơn vị tài trợ miễn phí toàn bộ phương tiện chở công dân về quê trong đợt này) thì bất ngờ được đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà và dặn dò ân cần. Rất nhiều tràng pháo tay và những câu nói đầy ân tình "Con cảm ơn chú Nơi", "Vui ghê được về quê mà còn được Đại tá Đinh Văn Nơi tặng quà, hạnh phúc quá". Dường như sự xuất hiện và những món quà của người đứng đầu Công an An Giang đã không quản ngại xa xôi, xuyên đêm đến và đưa họ về quê là niềm động lực mạnh mẽ, giúp họ xua tan đi bao cơn mỏi mệt và ngập tràn niềm yêu thương ấm áp.
9h30, sau gần 4 giờ công việc xét nghiệm, sắp đặt công dân lên xe đã hoàn tất, cả đoàn được chiếc xe Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương dẫn đầu, đưa đoàn đến tận địa phận giáp ranh của tỉnh như một lời chào thân ái.
Trên đường về quê mẹ
Đúng theo kế hoạch, sau khi cả 3 mũi công tác rước được công dân tại thành phố Hồ Chí Minh (64 người), các tỉnh Bình Dương (153 người), Đồng Nai (13 người) và Long An (3 người) đã hội tụ đầy đủ tại trạm dừng chân "Phúc Lộc" tại tỉnh Tiền Giang để giúp bà con, nhất là những bà bầu giải quyết được vấn đề "cấp thiết" của cơ thể sau một hành trình dài mấy tiếng đồng hồ. Từ địa điểm này, cả đoàn xe hàng chục chiếc đã chở 233 công dân thẳng tiến về quê mẹ An Giang.
Điều rất xúc động khi đoàn xe đón công dân vừa về tới địa phận TP Long Xuyên đã có rất nhiều người đứng tại cửa nhà vẫy tay, hoan hô chào đón đoàn như chào đón chính người thân của mình trở về nhà. Điều đó cho thấy, hành trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn này đã được đông đảo người dân tỉnh nhà dõi theo và ủng hộ. Cuối cùng sau 5 giờ đồng hồ, đoàn xe về đến địa điểm cách ly tập trung tại Trường Quân sự địa phương (cũ) tại Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Tại đây những người con quê hương An Giang sẽ thực hiện cách ly 14 ngày, rồi sau đó họ sẽ được đưa về tận nhà tại các địa phương trong tỉnh.
Điều đọng lại
Mặc dù số lượng công dân được đón rước trong đợt 1 lần này chưa đạt số lượng đã đăng ký ban đầu (233/300 người), vì có một số công dân đã không đến điểm tập kết để về quê với những lý do khác nhau. Nhưng chúng tôi lại cho rằng, đưa được số lượng bà bầu - mẹ bồng con lên đến gần 200 người đi một hành trình dài đến nơi an toàn như vậy là một điều rất thành công và ý nghĩa. Ngoài ra, rất nhiều kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ đợt đón công dân đầu tiên này, chắc chắn sẽ giúp ích đáng kể cho những đợt đón công dân tiếp theo của tỉnh nhà.
Một cán bộ Tỉnh đoàn chia sẻ "Mặc dù đây là lần đầu tiên lực lượng đoàn viên thanh niên chúng tôi tham gia vào chiến dịch đặc biệt này, còn nhiều điều bỡ ngỡ và cũng thấm mệt vì yêu cầu công việc. Nhưng chính ánh mắt và nụ cười của những công dân khi được bước chân lên chuyến xe nghĩa tình để về lại quê hương đã xua tan đi mọi khó khăn, vất vả và chúng tôi cảm nhận được thế nào là hai chữ "đồng hương" trong giai đoạn khó khăn".
Còn đối với những phóng viên ghi nhận lại chuyến hành trình này, chúng tôi đã nhiều lần nghẹn giọng, cay xè khóe mắt khi "bắt" được niềm vui, hạnh phúc của những bà bầu và còn cảm nhận được cả những cái chòi đạp đòi chia vui của các em bé trong bụng mẹ.
Văn Dương - Phạm Giang - Nghiêm Túc
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.