An Giang: Hiệu quả mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Nhằm tạo ra hướng đi mới cho nông nghiệp, những năm gần đây, An Giang đã chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, trọng tâm là sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; trong đó, hợp tác xã giữ vai trò đặc biệt quan trọng kết nối giữa người dân và doanh nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi giá trị… bước đầu có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất, phát triển cả về số lượng và quy mô, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên.
- Đẩy mạnh liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã
- Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã: Cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp
- Đồng Nai: Tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2022
Trong chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, Đảng và nhà nước ta đã xác định rõ quan điểm: "Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị…" - Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/03/2021.
Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang xác định, phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có vai trò quan trọng trong việc đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; trong đó, xác định phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp là mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế tập thể và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế hợp tác khác phát huy hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Nội dung này được thể hiện trong Chương trình hành động số 06 ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.
Năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định:"Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững" (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022).
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, An Giang đã triển khai và thành lập được 211 HTX, 02 Liên hiệp HTX và 992 THT. Nhiều mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần tăng trưởng bền vững cho ngành Nông nghiệp An Giang.
Trong đó, có một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất lúa gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, điển hình như:
Mô hình HTX gắn với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời: Sau quá trình triển khai đã thành lập được 4 HTX kiểu mới theo hướng công ty cử nhân sự tham gia điều hành HTX. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho HTX hoạt động sản xuất và liên kết. HTX với vai trò hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ với tập đoàn Lộc Trời. Giá lúa bao tiêu của công ty đảm bảo từ bằng đến cao hơn so với thị trường. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại địa phương với khoảng 200 HTX để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.
Hay như mô hình của HTX An Bình tại huyện Thoại Sơn là một trong số các HTX điển hình kiểu mẫu hoạt động có hiệu quả và đang từng bước vươn mình trưởng thành. Từ đầu vụ, HTX liên kết với công ty cung cấp vật tư bao gồm giống, phân, thuốc cho các thành viên HTX và hỗ trợ nợ đến cuối vụ. Sau đó, công ty sẽ thu mua lại theo giá đã ký hợp đồng và khấu trừ lại tiền nợ vật tư. Ngoài ra HTX còn thực hiện dịch vụ tiêu thụ lúa, dịch vụ cung ứng gạo an toàn với sản phẩm gạo An Bình 1, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương với HTX SX DVNN Tân Lập tại huyện Tịnh Biên: HTX đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với công ty TNHH Lương thực Tấn Vương khoảng 2.000 ha/năm. Hình thức liên kết là ngay từ đầu vụ công ty cung cấp giống (bắt buộc) và tạm ứng 5 triệu đồng/ha để hộ tham gia tự mua vật tư và phân bón sản xuất theo danh mục được phép sử dụng; đến cuối vụ công ty sẽ thu mua lúa và cấn trừ lại số tiền giống và tiền tạm ứng.
Mô hình liên kết thu mua theo giá cố định giữa công ty TNHH Angimex - Kitoku và các THT: được triển khai khá sớm và đang đi vào ổn định với diện tích liên kết hàng năm khoảng từ 3.000 - 5.000 ha. Nông dân tham gia mô hình này được tập hợp thành các THT và được công ty cung cấp giống (Japonica), hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và thu mua cuối vụ.
Mô hình liên kết và sản xuất lúa có quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn an toàn: Hiện công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang triển khai liên kết sản xuất có quản lý dư lượng thuốc BVTV qua hình thức liên kết trực tiếp với hộ nông dân, cụ thể tại các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tịnh Biên và Tri Tôn với diện tích khoảng 3.000 ha/vụ. Kết quả, các hộ nông dân rất đồng tình hợp tác thực hiện liên kết sản xuất theo yêu cầu công ty đặt ra, sản phẩm cuối vụ nếu đạt yêu cầu sẽ được cộng thêm từ 150-250 đồng/kg tùy theo loại giống canh tác, với mong muốn cải thiện thói quen sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân, dần dần tiến tới canh tác lúa theo quy trình hữu cơ.
Mô hình HTX gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái như: Với cây xoài, HTX Long Bình tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú thực hiện liên kết đầu ra sản phẩm với 2 doanh nghiệp là Công ty Lavifood và Tanifood theo tiêu chuẩn an toàn với diện tích khoảng 200 ha. Với cây chuối, các trang trại trồng chuối cấy mô tập trung ở huyện Tri Tôn như Sáu Đức, Vĩnh Phát, Chuối Việt, Xanh Việt tự đầu tư và thực hiện liên kết đầu ra với các công ty như Good Farme, Fesepia, Dollo, Chuối Việt để tiêu thụ sản phẩm với diện tích 228 ha.
Mô hình HTX gắn với doanh nghiệp tiêu thụ rau màu: Có HTX nông sản GlobalGap Mỹ An thuộc huyện Chợ Mới liên kết cung cấp bắp non cho công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang với diện tích khoảng 20ha. Hình thức liên kết là công ty cung cấp hạt giống và ký hợp đồng thu mua theo giá cố định.
Mô hình Hợp tác xã gắn với doanh nghiệp tiêu thụ lĩnh vực chăn nuôi: Các trại chăn nuôi heo, gà liên kết nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam như doanh nghiệp chăn nuôi Trí Nghĩa, An Khang, An Tâm, Thiên Anh, trại giống Định Thành và hộ dân; mỗi đợt xuất khoảng 10.000 con heo, 50.000 con gà và 60.000 con vịt. Hình thức liên kết là Công ty C.P cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật. Sản phẩm heo, gà và vịt xuất chuồng được cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh theo hệ thống của công ty C.P.
Mô hình THT gắn với doanh nghiệp tiêu thụ lĩnh vực thủy sản (liên kết cá tra thương phẩm): Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đã thực hiện nuôi liên kết với các THT đại diện cho 19 hộ nuôi cá tra liên kết với diện tích gần 45 ha. Hình thức liên kết là công ty cung cấp thức ăn, thuốc thú y và khấu trừ lại khi thu hoạch, các hộ nuôi cá tra có liên kết đều canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Văn Dương - Hồng ÂnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.