An Giang: Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi chở quá tải trọng
Chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng trên lĩnh vực giao thông đường thủy thời gian qua. Từ khi Nghị định 139 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2021 với nhiều tình tiết tăng nặng, lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, ý thức người dân cũng dần được nâng lên. Tuy nhiên vì lợi nhuận, hành vi vi phạm này vẫn còn phổ biến. Ghi nhận của nhóm phóng viên tại Trạm cảnh sát đường thủy Vàm Nao, huyện Phú Tân.
Cụ thể trong 3 tháng đầu năm 2022, qua công tác tuần tra kiểm soát, Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao phát hiện và xử lý 376 trường hợp vi phạm. Trong đó, chỉ có 2 trường hợp vi phạm về giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn; còn lại đều là vi phạm về chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn.
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao vi phạm và biết mức độ nguy hiểm khi chở quá tải trọng và di chuyển đường xa như vậy hay không thì các bác tài cho hay: "Biết nguy hiểm chớ! Từ khi có Nghị định 139, mình cũng đã chở hàng nổi lên rồi nhưng vẫn còn vi phạm, chở quá dấu vạch mớn. Nhưng tại dầu đang mắc quá, chở ít thì không có lời".
Dẫu biết rằng vật giá "leo thang" khiến cuộc sống mưu sinh của các bác tài quanh năm lênh đênh trên sông nước vốn đã nhiều vất vả nay lại càng khó nhọc thế nhưng ít ai biết rằng tai nạn giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và để lại hậu quả rất nặng nề về người và tài sản.
Thời gian qua, song hành với công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy nói chung, Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao nói riêng thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện các biện pháp ứng phó, xử lý khi có thiên tai xảy ra; tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông như: Không đảm bảo về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện, vận chuyển hành khách quá số người quy định, chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn nhằm góp phần nâng cao ý thức người dân khi tham gia lưu thông.
Thời gian tới, lực lượng cảnh sát đường thủy sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu và các tuyến kênh nội đồng, tuyên truyền để bà con nắm vững và tuân thủ Nghị định số 139 của Chính phủ và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Với nghị định mới này, hình thức xử phạt tiền và phạt bổ sung tăng cao hơn rất nhiều so với Nghị định 132 trước đây.
Thượng tá Trần Hồ Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang cho biết thêm, điển hình như tại Điều 38, Nghị định 139 của Chính phủ, vi phạm quy định về chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, mức phạt tiền lên đến 20 triệu; hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn "Thuyền trưởng" từ 3 đến 12 tháng. Vì vậy, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an An Giang yêu cầu cá nhân, tổ chức; chủ phương tiện không chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn đến 1/5; trên 1/5 đến 1/2; trên 1/2 chiều cao mạn khô của mỗi phương tiện và chấp hành đúng theo các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy vẫn là vấn đề tiên quyết để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, bảo vệ tính mạng, tài sản cho chính bản thân mình và người thân, cùng chung tay đảm bảo an ninh, an toàn trên những tuyến sông.
Văn Dương - Bích TrâmTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.