An Giang: Ngành chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng an toàn sinh học
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của hậu COVID-19, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, song năm 2022, sản xuất chăn nuôi của tỉnh An Giang cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, duy trì mức tăng trưởng cao, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao đời sống cho người dân.
An Giang được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực chăn nuôi. Hiện tại tỉnh An Giang có khoảng 73,8 ngàn con trâu, bò; gần 103,6 ngàn con heo; khoảng 6,3 triệu con gà, vịt và gần 1.000 nhà yến với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15 tấn/năm. Năm 2022, để đạt mức tăng trưởng chăn nuôi khoảng 207 tỷ đồng so với cùng kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã tổ chức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh chủ động, chủ động tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, để tạo hướng tăng trưởng mới, ngành chăn nuôi tập trung phát triển các hình thức nuôi trang trại, gia trại, nuôi gia công cho các doanh nghiệp theo chuỗi an toàn dịch bệnh. Đã có 8 xã của 5 huyện thực hiện nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Quy mô tăng đàn ngày càng nhiều và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ liên kết.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết với doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp còn tích cực xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư tại An Giang nhằm dẫn dắt ngành hàng chăn nuôi phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực bò sữa, Công ty Cổ phần trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao An Giang (thuộc Tập đoàn TH) triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao.
Về lĩnh vực chăn nuôi heo, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải An Giang (thuộc Tập đoàn THACO) triển khai 3 trại heo nái - heo thịt công nghệ cao THAGRICO.
Ngoài ra, tỉnh An Giang đang xúc tiến mời gọi Tập đoàn MAVIN, Công ty TNHH MTV Regina và Công ty TNHH Mai Phúc Xuân Lộc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và chế biến.
An Giang còn thí điểm xây dựng "Mô hình chăn nuôi tuần hoàn" về liên kết hộ nuôi bò thịt kết hợp trồng bắp thu trái non có liên kết tiêu thụ với hợp tác xã và các công ty. Mô hình bước đầu tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia chuỗi, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông hộ; sản phẩm bò và bắp non có đầu ra ổn định; các phế phẩm được tận dụng và xử lý thành thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, công nghiệp hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chăn nuôi và người dân về công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh chủ động, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi (cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi và các bệnh nguy hiểm khác). Chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, nông hộ chuyên nghiệp theo hình thức công nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại hình nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường. Ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo và chăn nuôi côn trùng có lợi trong sản xuất... góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm phát thải và an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Văn Dương - Hồng ÂnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.