An Giang: Nhóm lên bếp lửa nghĩa tình
Đồng hành, tiếp nối các hoạt động đón dân cùng lực lượng Công an An Giang, trong những ngày qua, nhiều người dân và các tổ chức xã hội từ thiện đã chủ động liên hệ địa phương để trao tay tận tay từng hộp cơm, ly súp và cả các nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ lực lượng đang là nhiệm vụ, giúp ấm lòng những người con xa quê ngày trở về!
Mặc kệ ngày hay đêm, mưa hay nắng, bếp ăn từ thiện Quan Hỷ Lạc vẫn ấm áp và nhộn nhịp. Với phương châm "của cho không quý bằng cách cho", ngay những ngày đầu khi hay tin người dân di chuyển về quê với số lượng lớn, những tình nguyện viên trẻ nơi đây đã cùng nhau cố gắng hết sức, chuẩn bị nhanh nhất mấy trăm suất ăn với mong ước giản đơn là giúp bà con no lòng, vơi bớt nhọc nhằn nơi đất khách, kiên nhẫn chờ đợi sự hỗ trợ và sắp xếp từ lực lực lượng chức năng của địa phương.
Anh Nguyễn Hoàng Sửu - Chủ nhiệm bếp ăn từ thiện Quan Hỷ Lạc chia sẻ, hoạt động trên lĩnh vực từ thiện đã gần 10 năm nay, chưa bao giờ thấy người dân mình đi "tha phương cầu thực" mà vì dịch bệnh phải trở về quê hương đông đến vậy!
Ngay khi được anh em ở chốt cho hay bà con chuẩn bị về đến, bất ngờ và thương quá, bếp chỉ kịp chuẩn bị vỏn vẹn 400 ổ bánh mì. Thời gian tới sẽ cố gắng hoạt động hết công suất để hỗ trợ cho bà con…
Nếu công việc thường ngày của bếp Khởi Tâm An Lạc là phát cơm cho khoa thận của bệnh viện, người cơ nhỡ 2 tuần một lần thì trong những ngày này, mọi người có phần tất bật hơn. Không chờ địa phương lên tiếng, chị Phan Thị Bích Châu - Trưởng bếp Khởi Tâm An Lạc đã chủ động liên hệ trực tiếp đến các phường thăm hỏi và hỗ trợ, thậm chí cho xe vận chuyển những suất cơm, nui còn nóng hổi đến tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa với số lượng trên 1.000 phần ăn và nước uống mỗi ngày.
Thấy bà con về, xót lắm nên ai cũng muốn sẻ chia và đóng góp một chút gì đó! Vậy là kẻ góp công, người góp của: các cô nhận việc nấu nướng, các bạn trẻ chia nhau vận chuyển lên xe… để những phần ăn được trao tận tay bà con ấm áp, nghĩa tình!
Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng ban Dân Vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Long Xuyên cho biết: "Mặc dù đợt dịch này kéo dài, đời sống người dân trên địa bàn thành phố cũng rất khó khăn nhưng tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" được thể hiện rất rõ trong những ngày này! Ai có gì cho nấy, thậm chí tã, sữa cho người già trẻ nhỏ, khẩu trang, đồ bảo hộ, các thiết bị y tế… cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng người dân đóng góp rất lớn, chúng tôi đã trang trải gởi về các huyện để tiếp tục hỗ trợ cho bà con! Điều đáng trân quý là tinh thần tự nguyện của người dân, chủ động liên hệ và góp công sức của mình chia sẻ với địa phương…!".
Như một hành động đẹp lan tỏa, cứ thế, từ trong nhà, ngoài ngõ, những bếp lửa hồng được nhóm lên và những suất cơm, ly súp, hộp cháo nóng hổi, tinh tươm lần lượt nối tiếp nhau xuống tận các trạm tiếp nhận dân và các điểm trường giúp lực lượng làm nhiệm vụ có thêm động lực và những người con xa quê thêm vững dạ, thêm hiểu, thêm thương và trân quý những tình cảm của bà con quê mình; chấp hành tốt các quy định, chung sức chung lòng vượt khó, chống dịch cùng chính quyền địa phương.
Đó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.