An Giang: Phát huy tinh thần tự quản về ANTT của đồng bào Khmer

Địa phương
12:12 PM 11/08/2022

Xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang) có trên 74% người dân tộc Khmer sinh sống, cũng là xã có nhiều cơ sở thờ tự nhất theo hệ phái Nam tông Khmer trên toàn huyện. Đây là điều kiện để lực lượng Công an chính quy nghiên cứu xây dựng mô hình "Cơ sở thờ tự tự quản về an ninh trật tự". Mô hình được đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay đã phát huy sức lan tỏa, tinh thần tự quản, giữ vững an ninh trật tự vùng phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer.

An Cư là xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, trước đây trong các dịp lễ hội, lễ cúng tại chùa thường xảy ra các mâu thuẫn, đánh nhau giữa thanh thiếu niên, tình trạng cướp giật tài sản. Xuất phát từ thực trạng đó, Công an xã An Cư đã tham mưu cấp ủy địa phương thành lập mô hình "Cơ sở thờ tự tự quản về an ninh trật tự" với Ban Chỉ đạo gồm 17 đồng chí, chia làm 11 tổ tự quản, tương ứng 11 chùa cùng 144 thành viên. 

Mô hình tạo điều kiện cho lực lượng Công an tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chức sắc tôn giáo có uy tín.

Mô hình tạo điều kiện cho lực lượng Công an tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chức sắc tôn giáo có uy tín.

Thiếu tá Lê Văn Quang, Trưởng Công an xã An Cư cho biết, Tổ tự quản các chùa là chúng tôi đặt chỉ tiêu ra chúng tôi chọn và tham khảo ý kiến của chùa, chọn những người có uy tín, có khả năng tuyên truyền, nắm thông tin và thật sự nhiệt huyết để tham gia mô hình. Qua đó, được Sư cả, Ban Quản trị và những người có uy tín trong chùa rất đồng tình ủng hộ, đó cũng là một lý do mà chúng tôi xây dựng mô hình được thành công và đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo định kỳ hàng tháng, Công an xã An Cư sẽ cập nhật, soạn thảo nội dung tuyên truyền, tổ chức họp triển khai đến 11 tổ tự quản. Chú trọng tuyên truyền các chính sách, Nghị định mới được ban hành trong tháng, phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm. Sau đó, thông qua buổi sinh hoạt tôn giáo tại các chùa, nội dung trên sẽ được thành viên các tổ truyền đạt lại cho đồng bào bằng loa phát thanh, giúp họ nắm vững, vận động gia đình, người thân cảnh giác và chấp hành pháp luật tại nơi tín ngưỡng, sinh sống. 

Sau buổi họp, thành viên các Tổ sẽ nắm được tình hình nóng trên địa bàn, thông qua đời sống hằng ngày có thể tuyên truyền đến bà con đồng bào mỗi phum, sóc.

Sau buổi họp, thành viên các Tổ sẽ nắm được tình hình nóng trên địa bàn, thông qua đời sống hằng ngày có thể tuyên truyền đến bà con đồng bào mỗi phum, sóc.

Ông Chau Lâm, Ban Quản trị chùa Soài Check, xã An Cư chia sẻ, Phong tục của người Khmer là một tháng có 4 giữ giới, trong giữ giới đó một lần là cả trăm người, tất cả anh em, bà con, phật tử ở trong ấp, trong xóm lại chùa, cúng chùa. Bắt đầu là Sư cả tuyên truyền khoảng chừng 5 phút, 10 phút. Nói với cha mẹ có con cháu chú ý, không sa vào tệ nạn xã hội, cờ bạc. Hoạt động rất là có ích do tiếng nói của Sư rất có giá trị.

Mô hình đã tạo điều kiện cho lực lượng Công an tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chức sắc tôn giáo có uy tín, họ giúp lực lượng đến gần hơn, nhận được sự tin tưởng của đồng bào tham gia phong trào tố giác tội phạm. 

Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã cung cấp cho Công an xã An Cư trên 150 nguồn tin có giá trị, giúp triệt xóa 45 tụ điểm tệ nạn xã hội, đưa 43 đối tượng đi cai nghiện ma túy, xử lý được 135 đối tượng có liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại các chùa. Các vụ việc mâu thuẫn, tệ nạn xã hội trong chùa vào các dịp lễ đông người được xử lý kịp thời, hiệu quả. 

Thượng tọa Chau Sóc Khonl, trụ trì Chùa Ro, xã An Cư cho biết: "Phật tử vào chùa là Sư kết hợp bắt loa lên cho bà con nghe. Loa phát những nội dung mà được Công an xã gửi đến hằng tháng. Còn những vi phạm khác xảy ra nếu mình biết mình thông báo cho Công an biết sớm. Việc đoàn kết với Công an mình thấy rất tốt, mình đã bảo vệ được bà con trong phum sóc mình".

Buổi họp tổ tự quản được duy trì hàng tháng.

Buổi họp tổ tự quản được duy trì hàng tháng.

Mô hình cũng nhận được sự đánh giá hiệu quả tích cực từ địa phương. Ông Khon Vi Khan, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư nhận xét: "Công an xã đã tham mưu tổ chức lớp tuyên truyền kỹ năng cho các thành viên tổ, để nắm được cơ bản về kỹ năng nắm thông tin, báo thông tin, xử lý thông tin. Các thành viên đã nắm được và cung cấp những thông tin thật bổ ích, xử lý kịp thời những đối tượng vi phạm trên địa bàn xã".

Có thể thấy, mô hình đã phát huy được vai trò cầu nối trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong từng phum sóc, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và chủ động cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn phá hoại các thế lực thù địch, các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. 

Tổ tự quản tại chùa đọc nội dung tuyên truyền do Công an xã cập nhật, soạn thảo.

Tổ tự quản tại chùa đọc nội dung tuyên truyền do Công an xã cập nhật, soạn thảo.

Thượng tá Đặng Chí Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Tịnh Biên cũng có những chia sẻ định hướng nhân rộng mô hình: "Ban lãnh đạo Công an huyện cũng đã tập trung chỉ đạo cho Công an các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới làm sao để vừa củng cố mô hình, xã nào chưa xây dựng được thì nên nhân rộng mô hình trên như địa bàn xã An Cư, góp phần lập lại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã An Cư nói riêng và trong vùng đồng bào của huyện nói chung".

Công an xã bàn giao nội dung tuyên truyền cho các Tổ tự quản tại chùa.

Công an xã bàn giao nội dung tuyên truyền cho các Tổ tự quản tại chùa.

Với những thành tích đạt được, Thiếu tá Lê Văn Quang, Trưởng Công an xã An Cư cũng đã có những quyết tâm củng cố, phương hướng hoạt động để mô hình phát triển hơn trong thời gian tới: "Chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những nội dung thiết thực, phù hợp, ngắn gọn mà nó truyền tải hết nội dung, trên tinh thần đó thì chúng ta sẽ phát huy hiệu quả công tác nắm thông tin, tình hình và có thể huy động được quần chúng Nhân dân nhiệt tình tham gia, chúng ta phát huy được mạnh mẽ được phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc".

Những năm qua, mô hình nhận được sự đánh giá cao từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhiều tập thể, cá nhân nhận được Bằng khen, Giấy khen với thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là động lực, niềm tự hào để lực lượng Công an xã An Cư nói riêng và Công an An Giang nói chung sáng tạo hơn nữa nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả, bảo vệ vững chắc trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân.


Văn Dương - Quỳnh Như
Ý kiến của bạn