An Giang: Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng QLTT tỉnh An Giang đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát nhằm ổn định thị trường hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Làm tốt công tác ổn định thị trường
Năm 2022 tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát; công tác phòng chống dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn trong điều kiện bình thường mới, nên tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn được phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, trong năm do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đã tác động đến việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa khác, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, chỉ riêng mặt hàng xăng dầu do chịu nhiều yếu tố tác động nên tình hình phức tạp tại một số thời điểm. Nhưng với sự quan tâm sát sao chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Tổng Cục QLTT thì hình hình xăng dầu trên địa bàn đã sớm ổn định và hiện đã được kiểm soát.
Trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng vẫn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện và hàng hóa qua biên giới nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh, các ngành chức năng đã phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch liên ngành (Công an - Bộ đội biên phòng - Hải quan - Quản lý thị trường - Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ) trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang; các đầu nậu buôn lậu, hàng giả trên địa bàn liên tiếp bị lực lượng chức năng triệt xóa đã tác động mạnh đến hoạt động, quy mô và cả phương thức hoạt động buôn lậu trên địa bàn.
Thời gian qua, nhìn chung tình hình vận chuyển, đai vác hàng hóa nhập lậu đã giảm đi đáng kể, trong đó các kho hàng, điểm nóng, nổi cộm về buôn lậu hầu như không còn hoạt động. Tuy nhiên, do biên giới dài, bằng phẳng và nhiều kênh rạch, đường mòn qua lại,… cùng với nhu cầu tiêu thụ cao nên vẫn còn một vài trường hợp lén lút để vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, nhưng phần lớn các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép là đấu tranh phòng chống buôn lậu và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.
Trong nội địa, lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu (chủ yếu là nhỏ lẻ) được bày bán chung với hàng hóa hợp pháp khác. Đồng thời phối hợp chặt với các ngành chức năng địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh....
Các đối tượng vi phạm thường là những hộ kinh doanh cá thể, hàng hóa vi phạm số lượng ít, mang tính chất nhỏ lẻ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, Đoàn kiểm tra tăng cường giải thích, tuyên truyền các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh đến người kinh doanh nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trong năm 2022, qua kiểm tra đột xuất và kiểm tra theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường An Giang phát hiện và xử lý nhiều vụ việc phân bón không đạt chất lượng, phân bón giả giá trị sử dụng... chủ yếu đối với các hành vi vi vận chuyển, buôn bán chưa phát hiện trường hợp sản xuất phân bón không đạt chất lượng, giả giá trị sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra trên 1.300 vụ, phát hiện 543 vụ vi phạm
Với chức trách của ngành, Cục QLTT tỉnh tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, qua đó, phát hiện các hành vi vi phạm như: Không niêm yết giá hàng hóa theo quy định; Bán hàng hóa quá hàng sử dụng (chủ yếu là mặt hàng thuốc BVTV); Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; Trưng bày/bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả chất lượng, chất lượng hàng hóa không đạt quy chuẩn (chủ yếu mặt hàng phân bón)...
Theo đó, năm 2022, các đơn vị trực thuộc Cục QLTT đã kiểm tra 1.325 vụ (tăng 15,1% so với cùng kỳ), phát hiện 543 vụ vi phạm. Số vụ QLTT đã xử lý là 552 vụ; Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ (chuyển trả xử lý vi phạm hành chính 4 vụ, đang xem xét 3 vụ). Tổng số tiền thu, phạt là 6.843,015 triệu đồng và trị giá hàng hóa vi phạm 8.322,513 triệu đồng; 1.085 bao thuốc lá điếu nhập. Trong lĩnh vực hàng lậu đã kiểm tra 117 vụ, phát hiện 116 vụ vi phạm, xử lý 112 với trị giá hàng hóa vi phạm 1.463,673 triệu đồng, phạt trên 605 triệu đồng.
Kiểm tra, phát hiện 45 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử lý 50 vụ đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa vi phạm 548,798 triệu đồng, phạt 629,3 triệu đồng, thu lại số lợi bất hợp pháp 380.000 đồng. Bên cạnh đó, kiểm tra chuyên đề 27 vụ, vi phạm và xử lý 22 vụ về hành vi chủ yếu nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, vi phạm về chất lượng hàng hóa trị, với giá hàng hóa vi phạm 355,26 triệu đồng, phạt tiền 216,025 triệu đồng, thu lợi bất hợp pháp 11,988 triệu đồng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực xăng dầu, lực lượng QLTT đã kiểm tra đột xuất 3 vụ, phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm đối với hành vi ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, sử dụng quản lý người trực tiếp bán hàng không có giấy chứng nhận huấn luyện PCCC, BVMT, đã ra quyết định cử phạt tiền 30 triệu đồng. Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng do Quản lý thị trường chủ trì đã kiểm tra 89 vụ, phát hiện 24 vụ vi phạm về phân bón, thuốc BVTV, xử lý 32 vụ đối với các hành vi về niêm yết giá, vi phạm về nhãn hàng hóa... trị giá hàng hóa 683,83 triệu đồng, phạt tiền 692,75 triệu đồng. Thu lợi bất hợp pháp 27,604 triệu đồng. Chuyển hình sự 3 vụ, trị giá hàng hóa tạm giữ 277,783 triệu đồng...
Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận và hàng giả dịp cuối năm
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ rất phức tạp trong thời gian tới nhất các dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán... do nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ tiện ích, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, làm gia tăng lượng hàng hóa lưu thông nên tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ phổ biến trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm như bánh, kẹo, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến các loại, quần áo, các mặt hàng thời trang, tiêu dùng....
Ngoài ra, trong dịp lễ, Tết Nguyên đán sắp đến gần nhu cầu di chuyển tăng cao, cùng với đó là hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang chuẩn bị vào vụ mùa mới nên nhu cầu xăng dầu cũng sẽ tăng, dẫn đến tình hình xăng dầu sẽ có nhiều biến động.
Trước tình hình này, Cục Quản lý thị trường đã tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đã triển khai về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới và nội địa giai đoạn 2022 - 2025; xây dựng Kế hoạch kiểm tra kinh doanh xăng dầu trên địa bàn năm 2022. Kế hoạch giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Kế hoạch số 647/KH-CQLTT ngày 26/4/2021 công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, Cục QLTT An Giang cũng tăng cường kiểm tra định kỳ năm 2023, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023... Tập trung lực lượng kiểm tra kiểm soát tốt tình hình thị trường tại thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Ngoài ra, Cục QLTT tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ về quản lý địa bàn, giám sát, thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thị trường để thực hiện công tác kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Văn Dương - Hồng ÂnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.