An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp

Địa phương
10:48 AM 24/09/2020

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng văn minh và giàu đẹp.

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp

Sáng 24/9, tại TP Long Xuyên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã long trọng khai mạc và bắt đầu bước vào buổi làm việc đầu tiên với sự tham dự của 349 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 64.600 đảng viên của 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ về dự Đại hội.

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 1.

Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ đầu năm 2020 đến nay, các cấp ủy đảng trong Tỉnh đã nghiêm túc chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đúng tiến độ và yêu cầu đề ra, tạo khí thế chính trị sâu rộng, củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. 

Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI có chủ đề "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước". 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 2.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI là Đại hội "Dân chủ - Đoàn kết - Khát vọng - Phát triển", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, khơi dậy khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển tỉnh An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

5 năm cất mới 12.150 căn, sửa chữa 2.317 căn nhà đại đoàn kết

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu Nghị quyết, 5/15 chỉ tiêu đạt trên 80%. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,25%; Quy mô nền kinh tế tăng khá, GRDP năm 2020 đạt 89.362 tỉ đồng, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành ĐBSCL; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 3.

Quag cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI.

Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng gần 16 triệu đồng so năm 2015); tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93% (giảm bình quân 1,5%/năm).

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

An Giang lấy Nông nghiệp làm nền tảng cho thúc đẩy phát triển kinh tế, Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha. 

Trong đó, Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 30.313 tỷ đồng. Chăn nuôi đạt 30,4 ngàn tấn, doanh thu ước đạt 1.839 tỷ đồng. Ngành Thủy sản có mức tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 11.090 tỷ đồng. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, hoàn thành sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra, 61/119 xã nông thôn mới, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến tăng trưởng ổn định, có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lúa gạo và thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công nghệ mới, quy mô công suất lớn. 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 4.

Bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu khai mạc Đại hội.

Tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Bình Long đạt 100% (có 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 1.053 tỷ đồng); Khu công nghiệp Bình Hòa đạt 84% (có 15 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 4.095 tỷ đồng). 

Toàn Tỉnh có 16/32 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 450/1.355 ha; có 14 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 200 ha, thu hút 22 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh với các lĩnh vực gồm chế biến thủy sản, lương thực, xay xát lau bóng gạo, vật liệu xây dựng... Tổng mức đầu tư khoảng 4.031 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động.

Năng lượng tái tạo hiện có 4 nhà máy điện mặt trời đã được đưa vào vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất thiết kế là khoảng 214MWp, tổng mức đầu tư khoảng 4.858 tỷ đồng; điện mặt trời áp mái có 498 trường hợp được đấu nối với lưới điện quốc gia, với tổng công suất khoảng 3,8MWp. 

Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 22.437 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 6.436 tỷ đồng và ngân sách Tỉnh 16.001 tỷ đồng. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt 142.310 tỷ đồng (tăng 76% so với năm đầu nhiệm kỳ). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.181 triệu USD và có mặt ở 105 quốc gia; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 782 triệu USD. 

Du lịch khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh. Giai đoạn 2015-2020, An Giang đón khoảng 41,5 triệu lượt khách. 

Trong đó, khách lưu trú trên 2 triệu lượt; khách quốc tế đạt gần 600 nghìn lượt, doanh thu đạt 25 nghìn tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư đã có 353 dự án đăng ký đầu tư mới, bao gồm 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 344 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 79.572 tỷ đồng, UBND tỉnh ký Biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư 10 dự án với tổng số vốn dự kiến là 104.900 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 31.345 tỷ đồng, Tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 8,9%/năm đưa tổng dư nợ tín dụng đầu tư cho nền kinh tế đạt 72.553 tỷ đồng. 

Vận động Quỹ vì người nghèo trên 934 tỷ đồng, cất mới 12.150 căn, sửa chữa 2.317 căn nhà đại đoàn kết; thăm hỏi, hỗ trợ khó khăn, hỗ trợ khám chữa bệnh, học tập, sản xuất cho trên 1.884.915 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn. 

Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,6 tuổi năm 2015 lên 74,4 tuổi năm 2019. Đến năm 2020, số bác sĩ/vạn dân ước đạt 9 bác sĩ. Số giường bệnh/vạn dân đạt 26 giường. Mức giảm tỉ lệ sinh hằng năm đạt 0,05%, tỉ số giới tính khi sinh  duy trì ở mức dưới 109%, tỉ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế đạt gần 100%.

3 khâu đột phá, 18 nhóm chỉ tiêu chính cho nhiệm kỳ 2020-2025

An Giang được xác định là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, An Giang lấy Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 5.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt Bộ Chính trị dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.

Đại hội xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn. 

Nhiệm kỳ 2020-2025, An Giang đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu quyết tâm thực hiện là Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5% - 7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 đến 72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.563 - 2.626 USD. 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 6.

Điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai dưới chân núi cấm đã hòa vào điện lưới quốc gia tháng 6/2019 tạo ra nguồn năng lượng sạch đang được đầu tư phát triển cho tỉnh An Giang.

Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164,6 đến 176 nghìn tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD. 

Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỉ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt  55%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 đạt 73%. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1% - 1,2%/năm.

Đến năm 2025, có 11 bác sĩ/01 vạn dân và 28 giường bệnh/01 vạn dân. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95%. Đến năm 2025, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 75% - 80% so tổng số xã toàn Tỉnh. 

An Giang: Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - Ảnh 7.

Miếu bà Chúa xứ Núi Xam, TP Châu Đốc nơi thu hút đông khách du lịch đến tham quan, viếng cảnh chùa.

Có từ 30 - 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu có thêm 02 huyện đạt huyện nông thôn mới; có 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Tỉ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 95%. Tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến năm 2025 đạt 90%. 

Hàng năm, có 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 70% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém. 

Có 80% ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức yếu kém. Ngoài ra, trong giai đoạn 2025 - 2030, An Giang xác định Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7% - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt từ 112,59 - 115,280 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm đạt 220 - 227 nghìn tỉ đồng.

Nguyễn Khôi - Hồng Ân
Ý kiến của bạn