An Giang: Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3,16%
Năm 2022, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của An Giang ước đạt 3,16%, trong đó, GO trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng, tăng 720 tỷ đồng, tăng 125% so với kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại phát sinh tăng, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao… nhưng với những giải pháp đúng đắn và kịp thời trong tổ chức, quản lý sản xuất của ngành Nông nghiệp như xuống giống đồng loạt để né rầy và đảm bảo nguồn nước tưới; khuyến cáo nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên thăm đồng; tích cực chăm sóc cây trồng đã góp phần làm cho những mùa vụ trong năm 2022 ở An Giang thành công.
An Giang được biết đến là vùng trồng lúa lớn thứ hai cả nước. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, năm 2022 đã tổ chức sản xuất với diện tích hơn 604 ngàn ha, sản lượng đạt gần 4 triệu tấn với các giống lúa chất lượng cao chiếm 80-90% như: OM5451, OM18, Đài Thơm... Chất lượng gạo An Giang có hương vị thơm ngon, đặc trưng vùng Bảy Núi và có 2 sản phẩm Gạo Ngon Tiến Vua Tiên Nữ và Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được phân hạng OCOP 5 sao cấp Quốc gia; Gạo do Tập đoàn Lộc Trời sản xuất cũng đã được phân phối tại các siêu thị hàng đầu của Pháp. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 đạt 573,47 nghìn tấn, tương đương 311,75 triệu USD; so cùng kỳ tăng 10,62% về sản lượng và tăng 10,90% về kim ngạch. Gạo của An Giang được xuất khẩu qua 43 nước và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, hoa màu và cây ăn trái được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Hiện toàn tỉnh An Giang có gần 49 ngàn ha trồng rau màu, sản lượng ước đạt gần 1 triệu tấn, năng suất duy trì ổn định khoảng 220 tạ/ha. Các sản phẩm rau màu chủ lực của An Giang là đậu nành rau, bắp, bắp non, ớt, rau dưa và đậu lấy hạt các loại. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đông lạnh cả năm 2022 đạt 10,59 nghìn tấn, tương đương 18,13 triệu USD; so cùng kỳ tăng 7,48% về sản lượng và tăng 7,52% về kim ngạch. Cây ăn trái của tỉnh An Giang cũng cho giá trị kinh tế cao như: xoài, nhãn, cây có múi, mít và chuối cấy mô với tổng diện tích 19,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt 269 nghìn tấn.
Ngoài ra, ngành Trồng trọt còn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang cùng với các địa phương tổ chức nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ kết hợp công nghệ sinh thái và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp: Ruộng mô hình có quy mô diện tích 30 ha được áp dụng công nghệ sinh thái và sử dụng phân hữu cơ. Mô hình đã giảm được từ 30 - 100 kg phân hóa học/ha, giảm 3 - 4,5 lần thuốc trừ sâu và giảm 2 - 3 lần phun thuốc trừ bệnh. Mô hình giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận hơn cho người dân.
Mô hình trồng đậu nành rau gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Phú Tân: người dân sản xuất đảm bảo yêu cầu về mật độ gieo trồng và xử lý thuốc BVTV theo 4 đúng, không để lại dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm theo yêu cầu của công ty liên kết. Sản xuất theo quy trình kỹ thuật giúp năng suất cao, đạt năng suất trung bình 12 - 13 tấn/ha. Từ đó giúp tăng thu nhập cho người dân và đầu ra sản phẩm được ổn định hơn.
Mô hình trồng sầu riêng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Châu Phú và Chợ Mới: Mô hình sản xuất theo hướng an toàn và ứng dụng hệ thống tưới, năng suất khoảng 20 tấn/ha. Mô hình mang lại lợi nhuận cao. Mô hình trồng rau muống lấy hạt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Phú Tân và Châu Phú: Mô hình được triển khai ngay từ đầu vụ, DNTN Kim Nhũng sẽ ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu hạt rau muống, nông dân được canh tác tự do về kỹ thuật, năng suất trung bình 2,7 - 3,2 tấn/ha. Vào cuối vụ doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết.
Định hướng trong thời gian tới, ngành trồng trọt An Giang sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho người dân, hợp tác xã sản xuất các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, thúc đẩy sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng nhận an toàn như đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGap, GlobalGAP, hữu cơ. Thúc đẩy phát triển hệ thống bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Văn Dương - Hồng ÂnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.