An Giang: Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Địa phương
11:04 AM 10/09/2022

Sáng 10/9, tại khu vực Bến phà Vàm Cống (cũ), phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên (An Giang), Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng UBND tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi lễ thả cá giống trên sông Hậu nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp.

"Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản"

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên là công việc khó, nhưng hết sức thiết thực và đầy ý nghĩa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang phát biểu báo cáo kết quả vận động thả cá năm 2022.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang phát biểu báo cáo kết quả vận động thả cá năm 2022.

Từ năm 2012 đến hôm nay, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rất nhiệt tình của các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các tín đồ Tôn giáo hỗ trợ đóng góp (gồm 3.635 tổ chức và cá nhân) với tổng kinh phí là 8,5 tỉ đồng (gồm tiền và cá giống các loại); số lượng cá được thả tái tạo nguồn lợi là 164 tấn, và hơn 4 triệu con cá giống quý hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa bao gồm Cá Hô, cá Ét, cá Mè Hôi, Cá cóc, cá Chép, cá Basa, cá Vồ đém, cá Chạch lấu, cá Chày, cá bông lau...

Riêng trong năm 2022, số tiền đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh là 1.526 triệu đồng, trong đó tiền ngân sách nhà nước là 440 triệu đồng (Tổng cục hỗ trợ 270 triệu đồng, tiền ngân sách của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang là 114 triệu đồng, tiền ngân sách của TP Long Xuyên là 56 triệu đồng). 

Số tiền đóng góp từ các tổ chức cá nhân là 1.086,8 triệu đồng (bao gồm đóng góp tiền mặt là 950 triệu đồng tại thời điểm báo cáo, 136,8 triệu đồng hỗ trợ bằng cá giống quy đổi thành tiền), số lượng cá giống thả năm nay là 5 tấn cá giống; 587.000 con cá giống quý, hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa, gồm cá Hô, cá Vồ Cờ, cá Tra Dầu, cá Ét Mọi, cá Mè Hôi, cá Thát Lát Cườm, cá Chạch Lấu, cá Cóc, cá Hú, cá Chày, cá Chép, Cá Bông Lau, cá Bống tượng, cá Vồ Đém, cá Basa, Cá Hú, cá He, cá Mè Vinh.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo tỉnh An Giang thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo tỉnh An Giang thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cũng kêu gọi toàn thể công dân hãy tích cực ủng hộ và tham gia buổi Lễ Phát động phong trào với chủ đề: "Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản"; hướng tới việc khai thác hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững; không sử dụng ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt và đánh bắt các loài thủy sản cấm khai thác. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Thả 587.000 con cá giống quý, hiếm về sông Hậu

Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó các tỉnh sẽ luân phiên đăng cai chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi lễ. Năm 2022, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp thả 587.000 con cá giống quý, hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa, gồm cá Hô, cá Vồ Cờ, cá Tra Dầu, cá Ét Mọi, cá Mè Hôi, cá Thát Lát Cườm, cá Chạch Lấu, cá Cóc, cá Hú, cá Chày, cá Chép, Cá Bông Lau, cá Bống tượng, cá Vồ Đém, cá Basa, Cá Hú, cá He, cá Mè Vinh về dòng sông Hậu.

Thả 587.000 con cá giống quý, hiếm về sông Hậu

Thả 587.000 con cá giống quý, hiếm về sông Hậu

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến cho biết, Nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã nêu bật: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công". 

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Phùng Đức Tiến phát biểu khai tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Phùng Đức Tiến phát biểu khai tại buổi lễ.

Với lợi thế thiên nhiên vô cùng to lớn, cùng nhiều chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân nơi đây, đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan; ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển… Điều này ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân cũng như đa dạng sinh học nói chung và nguồn lợi thủy sản nói riêng. Nhiều loài thủy sản bản địa, có giá trị của đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ suy giảm hoặc đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Các ghe chở cá chuẩn bị thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Các ghe chở cá chuẩn bị thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Nhằm bổ sung, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản nói chung và các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nói riêng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 về chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thực hiện hoạt động: "Tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và vùng ven biển ĐBSCL". 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, hoạt động này góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại ĐBSCL, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tất cả các tầng lớp nhân dân tại An Giang, các tỉnh ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát tình hình sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Toàn cảnh lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Toàn cảnh lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hướng dẫn cụ thể về danh mục các loài thủy sản khuyến khích thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản phù hợp với từng thủy vực trên địa bàn tỉnh; danh mục các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại; hướng dẫn kỹ thuật thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn