An Giang: Thả trên 100.000 con cá giống đặc sản xuống sông để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Sáng 31/10, lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực sông Vàm Nao đã diễn ra tại xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang).
Buổi lễ do Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), UBND huyện Phú Tân, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh và Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh tổ chức.
Với phương châm "Chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngay bây giờ và thế hệ mai sau". Theo đó, đã vận động 146 tổ chức và 323 cá nhân với tổng kinh phí là 1.088 triệu đồng.
Trong đó, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 16.000 con cá Hô và Bông Lau; số lượng cá được thả tái tạo nguồn lợi đợt này là 18.730 kg và 100.550 con cá giống đặc sản các loại (qui ra là 1.117.000 con) bao gồm cá Bông Lau, cá Hô, Mè Hôi, Vồ Đém, Chạch lấu, Lăng Nha, Nàng Hai…
Việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường tuyên truyền để hạn chế các hoạt động tiêu cực của con người tới thiên nhiên, làm biến đổi môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là việc khai thác thủy sản bằng xung điện, lưới mắt nhỏ… làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.
Qua đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Được biết, từ năm 2012 - 2019, đã thả 118,6 tấn cá giống các loại, gồm: Cá hô, cá ét, cá mè hôi, cá cóc, cá chép, cá basa, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá chày, cá bông lau; cá điêu hồng, cá tra... với số tiền quy đổi tương tương 5,8 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách là 811 triệu, nguồn vận động từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ là gần 5 tỷ đồng.
Văn Dương - Hồng ÂnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.