An Giang: Tri Tôn phấn đấu có trên 90% đồng bào DTTS tham gia BHYT
Sáng 10/7, huyện Tri Tôn (An Giang) đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024. Đến năm 2029, Tri Tôn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS hàng năm từ 3-4%; trên 90% đồng bào DTTS tham gia BHYT…
Tri Tôn là huyện nghèo (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ), dân tộc; có đường biên giới dài 15,5km giáp với nước bạn Campuchia. Diện tích tự nhiên 60.039,74 ha chiếm gần 17% diện tích toàn tỉnh. Toàn huyện có 15 đơn vị hành chính, gồm 12 xã, 3 thị trấn, với 77 khóm, ấp; trong đó, có 2 xã biên giới.
Huyện có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa với tổng dân số là 117.325 người, 33.434 hộ; trong đó, hộ DTTS là 11.137 hộ (chủ yếu là dân tộc Khmer). Hộ nghèo toàn huyện là 2.164 hộ, trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.598 hộ; Hộ cận nghèo 2.809 hộ, trong đó, hộ cận nghèo DTTS là 1.224 hộ.
Theo báo cáo chính trị, giai đoạn 2019-2024, các chương trình, chính sách, dự án được triển khai, tổ chức thực hiện đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện với các nội dung hỗ trợ, đầu tư trên nhiều lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách phát triển sản xuất; hỗ trợ về y tế, giáo dục; hỗ trợ về văn hóa, thông tin; tôn giáo, tín ngưỡng...
Từ đó, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội toàn huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Trong 5 năm qua, Tri Tôn đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 253 công trình, tổng vốn đầu tư 460.488 triệu đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, diện mạo vùng đồng bào DTTS.
Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, khóm ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông thường trao đổi hàng hóa. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 87,6%; tỷ lệ hộ sử dụng điện khoảng 90%; tỷ lệ hộ được xem truyền hình khoảng 80%; tỷ lệ hộ được nghe đài phát thanh khoảng 96,5%.
Bên cạnh đó, huyện Tri Tôn cũng quan tâm huy động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, người dân trên địa bàn đóng góp kinh phí, cơ sở vật chất và ngày công lao động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng các công trình giao thông, các lò hỏa táng.
Ngoài ra, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ với tổng số 99 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó có 1.257 hộ tham gia (hộ DTTS là 379 hộ) với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 23.648 triệu đồng… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập kinh tế hộ.
Các chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn DTTS đã mang lại hiệu quả nhất định, đáp ứng yêu cầu về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt của người dân; từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở, thiếu nước sinh hoạt đối với hộ nghèo; loại bỏ các căn nhà dột, rách nát, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có nhà ở an toàn; từng bước nâng cao mức sống, hoàn thiện tiêu chí nhà ở, nước sinh hoạt trong xây dựng NTM và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình DTTS tăng từ 36,909 triệu đồng (năm 2019) lên 56,820 triệu đồng/năm (cuối năm 2023).
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đã đạt được hiệu quả tích cực. Huyện đã đào tạo, dạy nghề cho 6.565 lao động nông thôn, trong đó, lao động DTTS được đào tạo nghề là 2.032 lao động, chiếm tỷ lệ 30,95%, với kinh phí 6,683 tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 4.876 hộ, lao động và học sinh, sinh viên DTTS tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, với tổng số dư nợ 232 tỷ đồng, chiếm 43,2% tổng dư nợ. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM, góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Đồng thời, công tác bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Các loại hình văn hóa của đồng bào các dân tộc từng bước được khôi phục, giữ gìn và phát triển, nổi trội là các loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh các ngôi chùa, đình, miếu của đồng bào dân tộc được Trung ương, địa phương đầu tư tu bổ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, ngày lễ tết quan trọng của các dân tộc thiểu số, huyện tổ chức các hoạt động chào mừng như tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng với tổng số 17.615 lượt, tổng kinh phí 6.197,35 triệu đồng…
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Đặng Thị Hoa Rây cho rằng, chặng đường 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19… Nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng DTTS. Được huyện quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Nổi bật là cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, khóm ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng. Đến nay có 15/15 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% trạm y tế xã đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở; có 28/57 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Chương trình MTQG trên địa bàn được triển khai thực hiện, đã mang lại hiệu quả rất tích cực, làm thay đổi diện mạo của huyện; các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS đã được huyện quan tâm bảo tồn và phát huy.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang lưu ý và đề nghị Đại hội phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với các mục tiêu, chỉ tiêu sao cho phù hợp với định hướng phát triển về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của tỉnh và của huyện Tri Tôn trong giai đoạn tới.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến và quán triệt thực hiện hiệu quả Kết luận số 65 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kế hoạch 54-KH/TU ngày 12/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc trong tình hình mới nhằm phát triển toàn diện các mặt đời sống, văn hóa xã hội của đồng bào DTTS.
Bà Đặng Thị Hoa Rây cũng đề nghị huyện Tri Tôn cần tập trung và quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo và điều hành thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, đây là chính sách và nguồn lực rất lớn được đầu tư trên địa bàn, mang lại sự phát triển một cách toàn diện và bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền vận động chức sắc, người uy tín, có tri thức trong đồng bào DTTS nhằm tạo sự đồng thuận, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhân dịp này, Trưởng ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân; Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn tặng Giấy khen của UBND huyện cho 9 tập thể và 17 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc; Đại đoàn kết dân tộc và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS huyện Tri Tôn, giai đoạn 2029-2024.
Văn DươngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.