An Giang: Triển khai Quy chế, Kế hoạch phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen
Ngày 1/8, Công an tỉnh An Giang tổ chức buổi Họp triển khai Quy chế hoạt động, Kế hoạch phối hợp thực hiện của Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tại An Giang, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, biến tướng, tinh vi, chủ yếu là các đối tượng cư trú ngoài địa bàn tỉnh đến An Giang hoạt động.
Các đối tượng thường hoạt động núp bóng bằng hình thức thành lập các công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, cầm đồ, cho vay dưới hình thức không cần nhiều thủ tục, giấy tờ, chỉ cần thế chấp một số giấy tờ liên quan như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe… là được giải ngân cho vay vốn với lãi suất trả góp hàng ngày rất cao từ 20 đến 60%. Để đảm bảo thu hồi được nợ vay, các đối tượng có sự cấu kết với các nhóm đối tượng bảo kê hoạt động liên tuyến, liên địa bàn để đe dọa, khủng bố tinh thần người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và đẩy lùi "tín dụng đen", ngày 22/7/2022, UBND tỉnh An Giang đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh do Giám đốc Công an tỉnh làm Tổ trưởng với nhiệm vụ giúp lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra, sơ tổng kết các hoạt động về tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tại buổi họp đã thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Tổ công tác đặc biệt và Kế hoạch phối hợp giữa các thành viên trong Tổ công tác để thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Phát biểu tại buổi họp, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu các đơn vị thành viên cần nghiên cứu, tổ chức triển khai các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh một cách nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp để chủ động nắm tình hình, rà soát lên danh sách đối tượng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay liên quan đến hoạt động tín dụng đen như cho vay nặng lãi, đòi nợ, các điểm giao dịch, trụ sở hoạt động, lưu trú của các đối tượng nghi vấn, báo cáo kịp thời cho Tổ công tác để có kế hoạch quản lý, phòng ngừa, đấu tranh triệt phá.
Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính cần kiểm soát đồng bộ các cơ sở lưu trú, tăng cường quản lý việc cấp Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng quy định; Quản lý chặt chẽ hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen trên không gian mạng, nhất là các ứng dụng mạng xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của tín dụng đen.
Trưởng Công an các địa phương phải tiếp nhận triệt để các tin báo từ người dân, theo dõi để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, cơ sở hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.
Các thành viên trong Tổ công tác thường xuyên nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao hoạt động của Tổ công tác đặc biệt và đề xuất khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu suất hoạt động của Tổ công tác để sớm đẩy lùi tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Văn Dương - Quỳnh NhưTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.