An Giang: Ứng dụng công nghệ cao trong ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, với diện tích hàng năm khoảng 3.489 ha, trong đó diện tích cá tra thu hoạch là 1.439 ha. Ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bởi đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của tỉnh, đặc biệt là giúp cho nhiều lao động có việc làm và có thu nhập ổn định.
Sản xuất thủy sản vượt kế hoạch năm
Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Cùng góp phần vào sự tăng trưởng bức phá đó, Ngành Thủy sản An Giang cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh tăng trưởng so cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Ước xuất khẩu thủy sản cả năm 2022 đạt khoảng 130 nghìn tấn, tương đương 315 triệu USD về kim ngạch; so cùng kỳ tăng 13,35% về sản lượng và tăng 13,59% về kim ngạch. Thủy sản An Giang đã được xuất khẩu sang 78 nước và vùng lãnh thổ các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Phi.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh An giang đã tập trung phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái thủy sản bền vững. Đẩy mạnh phát triển thủy sản từ chiều rộng sang chiều sâu với ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh An Giang đạt khoảng 604 nghìn tấn, trong đó cá tra là sản phẩm chủ lực với sản lượng hơn 530 nghìn tấn, chiếm khoảng 88% tổng sản lượng thủy sản cả tỉnh. Các thủy sản có giá trị khác như cá rô phi, cá lóc, cá he, mè vinh, chép, lươn, ếch, baba và tôm càng xanh cũng phát triển. Bên cạnh tỉnh An Giang còn tập trung sản xuất giống thủy sản với sản lượng khoảng 6,7 tỷ con, trong đó số lượng giống cá tra khoảng 1,7 tỷ con.
Các mô hình nuôi liên kết với doanh nghiệp cũng bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh An Giang hiện có 9 chuỗi liên kết với 5 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Liên kết tiêu thụ sản phẩm, nuôi gia công, liên kết cung cấp thức ăn với các công ty: tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Agifish, Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Hưng Phúc Thịnh, Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex). Các vùng nuôi chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp đã dần hình thành và phát triển và là nguồn cung cấp số lượng lớn giống và nguyên liệu cho ngành hàng chủ lực.
Xây dựng các vùng sản xuất giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao
Với chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư tại An Giang đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng nuôi với quy mô lớn, đảm bảo các điều kiện về môi trường, nuôi theo hướng công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao của tỉnh.
Tỉnh An Giang đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án cá tra 3 cấp): tập đoàn Việt Úc (104 ha), công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600 ha, trong đó có 150 ha ương giống), công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (140 ha), công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3 ha). Hiện 04 doanh nghiệp tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp đã xây dựng các vùng ương giống tập trung với tổng diện tích 292 ha và sản xuất khoảng 500 triệu con cá giống mỗi năm.
Phát triển vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cung cấp cho thị trường, tỉnh An Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 521 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó có khoảng 111 ha đạt tiêu chuẩn ASC, BAP và 386 ha đạt tiêu chuẩn VietGap đối với cá tra, với sản lượng 155.000 tấn/năm; diện tích tôm càng xanh đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap 8,9 ha, sản lượng 250 tấn. Diện tích cá tra nuôi thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm 37,8% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để thực hiện chiến lược phát triển thủy sản bền vững, tỉnh An Giang sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản chất lượng cao; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án cá tra 3 cấp; phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín.…); phát triển các vùng nuôi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, có chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP,…) và gắn với thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản phát triển nhà máy chế biến đạt chuẩn (HACCP, ISO,…) và tổ chức xây dựng chuỗi liên kết có trách nhiệm giữa người sản xuất, thu mua, chế biến thủy sản.
Văn Dương - Hồng Ân
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.