An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông
Chiều 13/11, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) tổ chức họp báo giới thiệu tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”.
Tọa đàm "An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông" sẽ diễn ra vào ngày 8/12 tại sân golf Long Biên (Tân Sơn Nhất), số 6 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Toạ đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến người dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất... Từ đó đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu.
Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (01/01/1999-01/01/2024) của báo Kinh tế và Đô thị; khẳng định vai trò, trách nhiệm cũng như định hướng phát triển trên chặng đường mới của báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng Anh - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cũng như các tiêu chí xuất khẩu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới, nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề ATTP trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi vẫn diễn ra. Đã có không ít trường hợp hàng xuất khẩu bị trả về do chứa dư lượng thuốc BVTV, chất tạo nạc, chất kích thích gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Thực tế thuốc BVTV, chất bảo quản thực phẩm…, có rất nhiều ý nghĩa trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhưng sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm để thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm này bị hiểu sai, hiểu nhầm về công dụng.
"Trong bối cảnh này, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với EPMA, tổ chức tọa đàm. Toạ đàm nhằm tăng cường tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để người dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc BVTV, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất... Muốn làm được điều này, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, trong đó truyền thông trên báo chí là rất cần thiết. Để tuyên truyền thế nào cho đúng, cho hiệu quả là các vấn đề chúng ta sẽ bàn bạc và thảo luận tại tọa đàm diễn ra vào ngày 8/12 tới đây" - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị nói.
Ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh, báo Kinh tế và Đô thị nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng các sản phẩm BVTV trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đúng cách; cảnh báo các vi phạm trong sản xuất nông nghiệp an toàn.
"Chúng tôi cũng đã triển khai nhiều bài viết, nhiều sản phẩm truyền thông, mở các mục, chuyên mục liên quan đến vệ sinh ATTP để truyền thông, nâng cao nhận thức người sản xuất, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, báo Kinh tế và Đô thị cũng quan tâm đến việc đưa ra các giải pháp để sản xuất nông nghiệp một cách an toàn và có hiệu quả nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP của người dân và các tiêu chí để doanh nghiệp Việt chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu khó tính" - ông Lê Hoàng Anh cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (Vipa) cũng cho rằng, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn là nhu cầu bức thiết và tất yếu của người dân hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để có các sản phẩm an toàn từ khâu sản xuất của nông dân đến hoạt đông mua bán của các thương lái đến chợ đầu mối cũng như các nhà cung ứng là bài toán đang được đặt ra nhiều năm nay.
Thời gian qua, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi tại nhiều thời điểm đã ở mức đáng cảnh báo. Điều này dẫn đến nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại...
"Thông qua toạ đàm, chúng tôi mong muốn báo Kinh tế và Đô thị và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và hiểu đúng hơn về sản xuất nông nghiệp an toàn. Ngoài ra, đưa những thông tin chính thống về các đơn vị vi phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu lợi bất chính… như một hồi chuông cảnh báo cho bà con nông dân... Việc này cũng sẽ giải được "nỗi oan" cứ dùng thuốc BVTV, chất bảo quản, chất kích thích trong sản xuất nông nghiệp là không tốt, là vi phạm", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV bộc bạch.
Vào ngày 8/12 tới đây, tọa đàm "An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông" sẽ diễn ra với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, cơ quan truyền thông, các chuyên gia, các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại đây, các đại biểu sẽ nêu ra thực tế về vệ sinh ATTP trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu về ATTP và các tiêu chí của nhiều thị trường quốc tế khó tính.
Báo Kinh tế và Đô thị là Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. Trải qua 25 năm, từ tờ báo in xuất bản 4 số/tuần, đến nay báo Kinh tế và Đô thị đã trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, cơ quan truyền thông chủ lực của TP Hà Nội bao gồm: 2 ấn phẩm in trên Kinh tế và Đô thị, Pháp luật và Xã hội, phát hành 10 số/tuần. Hệ sinh thái báo chí điện tử gồm: báo điện tử kinhtedothi.vn; các chuyên trang điện tử phapluatxahoi; giaothonghanoi; Tiêu dùng (tieudung.kinhtedothi.vn); hanoitimes; thị trường tài chính với thông tin thời sự, chuyên sâu, trung thực và chính xác, thu hút sự quan tâm của trên 15 triệu bạn đọc/tháng.
EPMA là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, sinh học, tái tạo, tái chế thân thiện, không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Với tôn chỉ thành lập EPMA nhằm hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các sản phẩm thân thiện với môi trường, EPMA mong muốn góp phần bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.