Ấn tượng xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020

Doanh nghiệp - Doanh nhân
01:03 PM 05/01/2021

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với dịch bệnh và thiên tai, song kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng đầy ấn tượng.

Xuất khẩu đi vào chiều sâu, xuất siêu đạt kỷ lục mới

Đại dịch Covid – 19 với những diễn biến phức tạp đã khiến cho hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm. Các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng nhưng với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Ấn tượng xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020 - Ảnh 1.

Xuất siêu hàng hóa Việt Nam đạt kỷ lục.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng khá cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 24,4%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (tăng 15,7%), máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (tăng 47,8%), sắt thép (tăng 23,7%), phân bón (tăng 26,6%)… Đặc biệt, năm 2020 có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, một trong những tín hiệu đáng mừng được ghi nhận trong bức tranh xuất khẩu của nước ta năm 2020 đó chính là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện. 

Xuất khẩu các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp với giá trị cao gia tăng mạnh và giảm hàm lượng xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Minh chứng rõ nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng chiếm tới trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019. 

Lĩnh vực nhập khẩu cũng có những chuyển biến tích cực, khi trong tháng 12/2020 nhập khẩu tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung trong năm 2020, nhập khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 231,54 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 88,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA

Nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã và đang tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội từ các FTA. Điển hình, xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục có kết quả tích cực từ khi Hiệp định EVFTA thực thi. Cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 34,9 tỷ USD. Đáng chú ý, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ấn tượng xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp Việt đã và đang tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội từ các FTA

Ngoài ra, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là hàng dệt may, da giày, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, hàng điện tử... 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chính nhờ Hiệp định EVFTA mà tốc độ tăng trưởng 3 tháng cuối năm tại thị trường EU đạt mức cao nhất từ trước tới nay. 

Cũng trong năm 2020, một sự kiện lớn về hội nhập của Việt Nam đã diễn ra, đó là Lễ ký Biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán UKVFTA. Theo các cam kết trong hiệp định, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 6 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Thủy, hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… là những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất.

Cụ thể, đối với ngành thủy sản, năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 298,2 triệu USD, chiếm 6,7% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành hàng này của Anh. Với UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.

Trong năm 2021, để duy trì đà tăng trưởng, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. 

Nói về mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.