Anh hùng - Họa sĩ Lê Duy Ứng: Trái tim con xin nguyện dâng người
Lần đầu gặp một họa sĩ, nhà điêu khắc thương binh – AHLLVTND Lê Duy Ứng, tôi đã bị cuốn hút bởi nụ cười rạng ngời, tươi trẻ. Nụ cười ấy đã giúp họa sĩ Ứng vượt qua những thời khắc nguy hiểm nhất trong bom đạn, trong cuộc sống để ngày hôm nay họa sĩ mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật được vẽ, được tạc từ trái tim nhiệt huyết và nghị lực phi thường.
Họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Duy Ứng.
Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng sinh năm 1947, quê ở Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Nhờ có sự thừa hưởng chất nghệ thuật từ người cha là họa sỹ, nhà báo Lê Yến, nên ngay từ thuở thiếu thời ông đã có niềm đam mê hội họa. Năm học lớp 4, ông đã có triển lãm tranh với chủ đề: "Xấu nên tránh, tốt nêm làm" và lên lớp 5 ông đã đạt giải nhất cuộc thi vẽ Mỹ thuật.
Năm 1967, ông đã trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên, tình nguyện xung phong đi bộ đội đánh giặc cứu nước. Với nhiệm vụ trợ lý văn hóa, ông trở thành người lính trinh sát trong Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 để tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Khi được biết các du kích và những người dân Quảng Trị nơi đây đang rất mong muốn có được một bức tranh chân dung Bác để thờ nên họa sĩ Ứng đã thường xuyên vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.
Mùa xuân năm 1975, khi đoàn quân giải phóng chỉ còn cách cửa ngõ Sài Gòn 30 km thì bom đạn kẻ thù đã cướp đi đôi mắt của họa sĩ Ứng, đúng lúc ông đang ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trên tháp xe tăng của Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Trong giờ phút ấy, tưởng mình sẽ không thể ở lại với đồng đội được nữa, họa sĩ đã lần mò tìm tờ giấy croky nhỏ và dùng máu đang tuôn chảy từ đôi mắt mình để vẽ chân dung Bác Hồ.
"Bức tranh máu" vừa hoàn thành cũng là lúc họa sĩ ngất đi trong vòng tay đồng đội. Bức tranh đó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với tựa đề: "Ánh sáng niềm tin – trái tim con nguyện dâng người tuổi thanh xuân" từ năm 2010.
Đây đúng là một phần của cuộc chiến đã qua và nó là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu Tổ quốc, cho sự hy sinh của người chiến sĩ.
Sau 8 năm phải đối kháng với màn đêm lạnh lẽo, ông quyết định không đầu hàng số phận khi được biết một họa sĩ khiếm thị ở Liên xô (cũ) làm tượng rất giỏi đã giúp ông trỗi dậy niềm đam mê nghệ thuật. Vượt qua mặc cảm và khó khăn nhờ có đôi bàn tay tài hoa của một con người có ý chí, nghị lực và quyết tâm cao trong đời sống nên từng bức tượng xinh xắn lần lượt ra đời.
Đối với họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng, hình ảnh Bác Hồ luôn là điều thiêng liêng nhất.
Ông nhớ lại: "Để làm được những bức tượng như thế này, không biết bao lần tôi phải chịu thất bại. Do không nhìn thấy gì nên có khi đục cả vào tay, khi vết đục không chuẩn xác làm tượng sứt mẻ, tôi đau lòng lắm".
Năm 1982, ánh sáng đã trở lại với cuộc đời ông khi ca ghép giác mạc thành công. Hội họa đã trở lại với ông như một điều kỳ diệu khi ông tiếp tục trở lại phục vụ quân đội và nay là Đại tá thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người độc nhất vô nhị là thương binh nặng 1/4 (mất 90% sức khỏe) nhưng vẫn lạc quan sống.
Năm 2005, được Đảng và nhà nước quan tâm, ông được ghép giác mạc lần hai tại Nhật Bản nhưng đến nay thị lực đã giảm đi rất nhiều. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật, sự cống hiến không bao giờ mất đi trong con người ông.
Trong sáng tác, ông tập trung vào đề tài lãnh tụ và người chiến sĩ cách mạng, chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện ông đã cho ra đời hàng nghìn bức tranh, khoảng 400 tượng gỗ, 50 tượng bằng các chất liệu khác… Nay, ông đã có 45 cuộc triển lãm về tranh, tượng trên khắp đất nước và ở nước ngoài. Ông cũng giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong nước và Quốc tế, được thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Năm 2013, họa sĩ Lê Duy Ứng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng bên tác phẩm "Bác Hồ với thiếu nhi"
Đã có 5 cuốn sách viết về ông như: "Anh họa sương mù" – (Sơn Tùng), Tiểu thuyết "Ánh sáng không tắt" – (Nguyễn Bảo)… và 7 bộ phim làm về ông: "Người thương binh tạc tượng Bác Hồ" (Xưởng phim Quân đội, Huy chương Bạc tại Liên xô (cũ)), "Tài hoa và nghị lực" (đạo diễn: Đức Hóa), "Ánh sáng niềm tin" (Trần Đức)… sau tháng 11 năm 2006, khi họa sĩ Lê Duy Ứng đạt giải khuyến khích trong cuộc thi vẽ tranh về người khuyết tật, bức tranh có tựa đề: "Hỏng mắt con tạc tượng Người/Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con".
Chân dung tự họa của họa sỹ Lê Duy Ứng.
Là một người lính tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng vững chắc, họa sĩ Ứng đã tích cực, chủ động, xây dựng các kế hoạch dự bị động viên hùng hậu, chất lượng tổng hợp ngày càng cao; xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp vì ông luôn trăn trở và cảm thấy còn nợ với những người đã ngã xuống. Ông còn sáng tác và sẽ sáng tác về họ bằng trái tim người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm cũ sắp qua, năm mới đang đến, trong ông lại trào dâng niềm xúc động. Đôi mắt đã mờ đục nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan yêu đời. Tâm nguyện của ông là có được mặt bằng để mở bảo tàng tư nhân như một địa chỉ văn hóa, một điểm đến có ý nghĩa cho hậu thế sau này đã thành hiện thực.
Họa sỹ Lê Duy Ứng trong bảo tàng tư nhân của mình
Hoàng Vân
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.