Anh mất hơn 20 năm để thu phí xe vào nội đô, vậy Hà Nội sẽ mất bao lâu?
Ô tô đi vào trung tâm London (Anh) bị tính phí 20 USD/ngày, gấp 7,6 - 30 lần so với mức phí được đề xuất khi vào nội đô Hà Nội của Việt Nam.
Cách London (Anh) triển khai thành công
Tại Anh, việc thay đổi mức phí và thời gian áp dụng được đưa ra nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm và lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở London, sau đợt phong tỏa đầu tiên vì Covid-19. Một lý do khác là nhằm hỗ trợ Sở Vận tải London bù đắp khoản phí sụt giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chương trình bắt đầu từ tháng 2/2003 trên một diện tích hơn 20km2. Đây là khu vực kinh doanh trung tâm lúc nào cũng bị tắc xe nặng nề. Khu vực thu phí chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng diện tích Greater London (Đại London, có 7 triệu dân sinh sống).
Sau đó, khu vực thu phí được mở rộng ra phía Tây, bao gồm thêm 20km2 nữa gồm Westminster, Kensington và Chelsea. Khi áp dụng thu phí, chính quyền thành phố thực hiện luôn cả việc tăng 40% công suất chuyên chở khách của xe buýt và tàu hỏa.
Theo đó, trong 3 năm thực hiện biện pháp này, lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn khi lưu không phương tiện giảm 30%.
Những phương tiện được miễn phí, hoặc giảm phí gồm xe của cư dân sống trong khu vực thu phí (giảm 90%). Xe bus, taxi, xe cấp cứu, xe máy được miễn.
Theo quy định trước đó, các tài xế xe điện hay xe hybrid có mức phát thải khí CO2 không quá 75 g/km, và có phạm vi lái xe hoàn toàn bằng điện tối thiểu hơn 32 km cũng được chiết khấu 100% phí vào nội đô. Nhưng từ ngày 25/10, chỉ những xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ hydro mới đủ điều kiện được miễn phí. Từ tháng 10/2025, xe điện cũng sẽ bị loại khỏi danh sách miễn giảm phí vào nội đô.
Ngoài London, thành phố Birmingham đã trở thành nơi đầu tiên ở Anh thiết lập vùng không khí sạch (CAZ), để thu phí ô tô cá nhân di chuyển vào nội đô. Kể từ ngày 1/6, những ô tô cũ gây ô nhiễm, taxi, xe tải đi vào trung tâm thành phố sẽ bị thu phí hơn 10 USD, trong khi xe bus, xe khách và xe chở hàng trọng tải lớn bị tính phí gần 70 USD. Ước tính 1/4 số ô tô trong thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Theo ông Richard Butler, Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) ở West Midlands, nên chú trọng đến lợi ích dài hạn của việc thu phí vào nội đô. Vì nghiên cứu cho thấy, nếu giảm ca tử vong và nhập viện do tác động của ô nhiễm không khí, thành phố có thể thu về 9,6 triệu USD hàng năm.
Người dân phản ứng thế nào?
Từ khi lần đầu được đề xuất cách đây gần 4 thập kỷ cho tới khi chính thức áp dụng năm 2003, hệ thống thu phí chống tắc đường ở London đã trải qua nhiều tranh cãi ở London.
Theo báo cáo năm 2007, mức độ chấp nhận thu phí người sử dụng đường bộ trước khi áp dụng là ổn định ở mức 40%. Sau khi áp dụng, mức độ chấp nhận tăng lên hơn 50%. Dù không có số liệu cho thấy mức độ chấp nhận sau tháng 10/2003, nhưng việc Thị trưởng London tái đắc cử tháng 6/2004 cho thấy người dân London chấp nhận thay đổi này.
Có hai lý do chính khiến tỷ lệ người dân London chấp nhận hệ thống thu phí tương đối cao cả trước vào sau khi áp dụng:
Thứ nhất, người dân cảm thấy cần có biện pháp triệt để hơn, do đã quá mệt mỏi trước tình trạng tắc nghẽn khi di chuyển. Nhiều người cho rằng, thu phí là cách tốt nhất để có tiền nâng cao chất lượng giao thông công cộng ở London.
Thứ hai, ở London, nguồn lực có thể được tập trung vào một số dự án trọng điểm như thu phí đường bộ. Để làm được điều đó, Thị trưởng đã thành công trong xây dựng niềm tin cho người dân thông qua đối thoại mở, trình bày vấn đề và đề xuất rõ ràng, công khai.
Kế hoạch thu phí nội đô ở Anh và Việt Nam giống và khác nhau thế nào?
Nhằm hạn chế xe ô tô đi vào nội đô, tháo gỡ tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.
Bên cạnh đó, nếu thời gian thu phí tại London (Anh) áp dụng từ 7h đến 22h, thì tại Việt Nam, thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5h đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Theo Đề án quản lý xe cá nhân, việc thu phí phương tiện vào nội đô là đề án rất quan trọng, đối với kế hoạch giảm xe cá nhân, giải quyết ùn tắc trong khu vực nội đô Hà Nội từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Nếu thực hiện đúng như dự tính, Việt Nam sẽ mất khoảng 4 - 9 năm để đưa đề án này vào thực tiễn. Trong khi tại Anh, sau lần đề xuất cách đây 4 thập kỷ, đến năm 2003 việc thu phí xe vào nội đô mới chính thức được triển khai.
Mức thu phí ở London cao hơn 7,6 - 30 lần
Đặc biệt, mức thu phí đang được áp dụng ở London (Anh) là 20 USD/ngày, áp dụng từ 7h đến 22h tất cả các ngày, trừ ngày lễ. Trong khi, ngày 29/10/2021, Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP.Hà Nội đưa ra mức đề xuất thu phí các phương tiện đi vào nội đô Hà Nội như sau:
Mức phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần) đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) đề xuất từ 25.000 đồng - 60.000 đồng/lượt. Đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 đồng - 40.000 đồng/lượt.
Vào các ngày cuối tuần và ngày lễ được tư vấn đề xuất không thu phí, vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc, tạo thêm sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đề án.
Có thể thấy, mức phí vào nội đô London đang cao hơn từ 7,6 - 30 lần so với mức đề xuất mà Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP.Hà Nội đưa ra.
Đại diện Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (TDSI) - đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Quản lý phương tiện giao thông cho TP.Hà Nội thông tin, việc lập các trạm để thu phí phương tiện đi vào nội đô giờ cao điểm cũng đang là giải pháp mà các thành phố lớn như Singapore, London... thực hiện rất thành công.
Sáng 4/12, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 tại Hà Nội với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh".