Áp lực bán tháo dồn dập, dòng tiền nội bắt đáy
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 khép lại với diễn biến tiêu cực khi VN-Index giảm mạnh do áp lực bán tháo dồn dập.
Đóng cửa phiên giao dịch 31/3, chỉ số VN-Index mất 10,6 điểm, tương đương giảm 0,8%, xuống 1.306,8 điểm.

Toàn thị trường (3 sàn) ghi nhận 273 mã tăng, 821 mã đứng giá và 515 mã giảm. Giá trị giao dịch đạt 22.915 tỷ đồng, khối lượng tương ứng 967 triệu chứng khoán.
Lệnh bán xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành cao su như GVR, PHR, DPR, TRC, CSM, SRC. Cổ phiếu đầu ngành GVR giảm kịch sàn xuống 32.400 đồng, lấy đi gần 2,4 điểm của VN-Index, trong khi PHR và DPR cũng chung cảnh giảm sàn.
Cung vượt xa cầu, khiến VN-Index có thời điểm giảm sâu về sát mốc 1.300 điểm.
Việc VN-Index lùi về sát vùng 1.300 điểm đã kích thích dòng tiền nội quay trở lại thị trường. Thanh khoản HOSE đạt hơn 21.200 tỷ đồng, tương đương 868 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 22% so với phiên trước.
Nhóm cổ phiếu cao su và phát triển khu công nghiệp trên đất trồng cao su trước đây chịu áp lực xả hàng mạnh sau nhịp tăng hơn 10% trong nửa tháng qua. Cổ phiếu GVR giảm kịch sàn, mất hết biên độ trong trạng thái không có bên mua. Tương tự, DPR và PHR cũng đóng cửa trong sắc xanh lơ. SIP, TRC, CSM, SRC… giảm trên 4,5% so với tham chiếu.
Áp lực chốt lời mạnh ở nhóm này diễn ra trong bối cảnh tâm lý thị trường chung trở nên thận trọng, khiến dòng tiền ngắn hạn rút lui sau đợt tăng mạnh vừa qua.
Không chỉ nhóm cao su, cổ phiếu phân bón cũng bị bán mạnh. Nhóm thép cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh.
Nhiều mã đầu ngành trong nhóm chứng khoán như SSI, VND, HCM giảm trên 1%. ORS của Chứng khoán Tiên Phong là điểm sáng hiếm hoi khi lội ngược dòng tăng hơn 2% lên gần 10.000 đồng/cp.
2 nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng và bất động sản ghi nhận sự phân hóa mạnh. Trong nhóm ngân hàng, MSB tăng hơn 3% lên 12.200 đồng/cp, trong khi SHB giảm 2%, tạo ra nhịp nghỉ sau giai đoạn tăng mạnh. VPB, VCB, BID cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Ngược với khối nội, khối ngoại bán ròng mạnh tay với tổng giá trị 1.363 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 1.282 tỷ đồng.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, VN-Index đã nhiều phiên liên tiếp không vượt ngưỡng cản 1.330 điểm cộng thêm áp lực chốt lời ngày càng tăng đang khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.
Công ty Chứng khoán Asean nhận định xác suất xảy ra kịch bản kém khả quan, tức VN-Index thủng mốc 1.300 điểm trong tuần này, lên đến 70%. Ngoài tâm lý chốt lời của nhà đầu tư thì quyết định thuế quan của Tổng thống Donald Trump trong ngày 2/4 có thể trở thành yếu tố chính khiến thị trường có thể đón nhịp giảm sâu.
Trong kịch bản cơ bản, MBS cho rằng thị trường có khả năng sẽ phục hồi vào cuối tuần với thông tin đánh giá giữa kỳ của Tổ chức FTSE Russell về khả năng nâng hạng của thị trường.
Minh An (t/h)
Trong tháng 3/2025, PMI đạt 50,5 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam đã mạnh lên.