Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đạt đỉnh vào quý III/2025
Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025, phần nào tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 31/12/2024, có 54 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trị giá 56.793 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 800 tỷ đồng trong tháng 12 năm ngoái.
Tính cả năm 2024, có 429 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 410.544 tỷ đồng và 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.914 tỷ đồng.
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 27.458 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 216.670 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 120.640 tỷ đồng, tương đương 55,6%.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, sau giai đoạn khủng hoảng về niềm tin khiến quy mô phát hành sụt giảm mạnh trong năm 2022, hồi phục nhẹ năm 2023 thì trong năm 2024 đã có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.
Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường trong năm sau, đặc biệt là khi lượng trái phiếu đáo hạn cũng giảm bớt so với các năm trước đó, giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua trong tháng 12/2024 cũng giúp hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn.
Trong khi đó, quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn kể từ quý II/2025. Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025, phần nào tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm.
Nhìn về triển vọng năm 2025, PHS cho rằng, giai đoạn rủi ro nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4 - 5% cũng thúc đẩy dòng tiền từ nhà đầu tư chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn cũng kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Minh An (t/h)Trong dự báo về triển vọng kinh tế công bố ngày 9/1, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% từ mức 6,6% nhờ kỳ vọng vào sự chuyển biến nhiều nhân tố.