Áp lực kép của ngành tôn mạ trong năm 2025

Kinh doanh
08:38 AM 20/03/2025

Trước những diễn biến bất lợi hiện tại, ngành thép Việt Nam nói chung và xuất khẩu tôn mạ nói riêng sẽ phải đối mặt với áp lực kép trong năm 2025.

Theo số của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu tôn mạ, sơn phủ màu đã ghi nhận 2 tháng giảm mạnh liên tiếp trong năm 2025, tháng 1 giảm 32%, tháng 2 giảm 45% so với cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng qua, xuất khẩu 2 mặt hàng này giảm 38% xuống 326.665 tấn. Tôn mạ là mặt hàng có số lượng xuất khẩu nhiều nhất và ghi nhận mức sụt giảm doanh số xuất khẩu lớn thứ hai (sau HRC) trong số các sản phẩm thép.

Áp lực kép của ngành tôn mạ trong năm 2025- Ảnh 1.

Xuất khẩu thép thành phẩm trong tháng 2/2025 và luỹ kế 2 tháng đầu năm 2025. Nguồn: VSA.

Trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ trọng xuất khẩu tôn mạ chỉ còn chiếm 42% trong tổng cơ cấu tiêu thụ tôn mạ, giảm đáng kể so với mức 64% của cùng kỳ năm ngoái. So với mức phụ thuộc vào xuất khẩu trung bình của toàn ngành thép, khoảng 21%, thì tôn mạ đang ở mức cao gấp đôi, cho thấy mức độ rủi ro lớn hơn khi đối diện với các rào cản thương mại.

Theo VSA, năm 2025, tôn mạ sẽ phải đối mặt với áp lực kép, đó là: Làn sóng áp thuế thép nhập khẩu và sức ép từ thị trường trong nước.

Đầu tiên là thuế thép nhập khẩu. Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu. Điểm đáng chú ý của lần áp thuế này so với năm 2018 là các nước được miễn trừ trước đó, gồm Canada, Mexico, Brazil, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được hưởng quyền lợi này nữa. Hôm 16/3, ông Trump cũng đã tái khẳng định về việc “không có ngoại lệ” đối với lệnh thuế này. Hiện, lệnh thuế đã có hiệu lực từ ngày 12/3.

Lệnh thuế mới của ông Trump đã tạo nên hiệu ứng domino về làn sóng bảo hộ thép trên thế giới bởi các nước lo rằng dòng thép xuất khẩu sang Mỹ bị chặn có thể chảy vào nước mình.

Áp lực kép của ngành tôn mạ trong năm 2025- Ảnh 2.

Nhiều áp lực khiến xuất khẩu thép và tôn mạ giảm mạnh. Ảnh: Doanh nghiệp Hội nhập

Các biện pháp phòng hộ của các thị trường, sản lượng xuất khẩu thép đặc biệt là tôn mạ sẽ khó đạt mức nền cao như năm 2024. Trong kịch bản cơ sở, ước tính sản lượng tôn mạ xuất khẩu dự kiến đạt 2,7 triệu tấn giảm 10%, với tỷ trọng xuất khẩu đạt 52% trong tổng sản lượng tiêu thụ so với mức 56% trong 2024.

Với thị trường trong nước, hiện các doanh nghiệp tôn mạ trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh lớn bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo VSA, kể từ khi chấm dứt biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ (Vụ AD02) vào tháng 5/2022, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, chiếm 64-67% tổng lượng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Cho đến nay, việc này tiếp tục ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép trong nước.

Do đó, hồi cuối tháng 2, VSA đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương đề nghị giải quyết sớm vụ việc phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép mạ (vụ việc AD19).

VSA cho rằng, việc chưa xem xét quyết định chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ, trong khi đã có quyết định tạm thời với thép cuộn cán nóng là nguyên liệu để sản xuất tôn mạ, đã gây bất lợi trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh cho ngành tôn mạ.

Đồng thời, việc này tạo sự không đồng đều trong chính sách phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi gái trị của ngành sản xuất thép trong nước.

Ngoài việc bán hàng, chi phí sản xuất có thể tăng thêm do tác động bởi thuế chống bán phá tạm thời 19,38% đến 27,83% mà Việt Nam áp dụng đối với thép HRC - nguyên liệu đầu vào của tôn mạ, nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng 2.

Theo VSA, để ứng phó với tác động trên, các doanh nghiệp trong ngành cần phải chủ động tìm kiếm giải pháp thích ứng, từ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đến nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn