Áp lực lạm phát 2022 không đáng lo ngại như khủng hoảng năm 2008-2009
Nguyên nhân gây ra lạm phát đến từ nhiều yếu tố, song ở thời điểm hiện tại, áp lực gây ra lạm phát 2022 không đáng lo ngại bởi có sự khác biệt rất lớn so với khủng hoảng giai đoạn 2008-2009, đó là về chính sách tiền tệ.
Bất an 3 yếu tố kích hoạt lạm phát trong năm 2022
Tại hội thảo “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân gây ra lạm phát đến từ nhiều yếu tố, song ở thời điểm hiện tại, việc giá cả hàng hóa tăng cao là một trong những yếu tố chính gây nên lạm phát.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ba yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 chính là tổng cầu tăng đột biến, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng, kể cả trong nước và quốc tế.
Thứ nhất, tổng cầu tăng đột biến sau khi Việt Nam khắc phục khá thành công đại dịch. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, nhích tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng vỏn vẹn 0,7%.
Đặc biệt, với quy mô gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính tạo áp lực lạm phát rất lớn.
Mặt khác, nền kinh tế Việt đang phục hồi, doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động sản xuất nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cũng một yếu tố khá quan trọng tác động tới lạm phát. Bởi thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để tuyển dụng, đào tạo lao động.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, tổng cầu thế giới tăng nên nguyên vật liệu nhập khẩu hàng hóa thế giới cũng tăng rất cao, có nhiều mặt hàng tăng gấp 2 lần so với đầu năm. Như vậy, nhập khẩu lạm phát không thể tránh khỏi.
Thứ ba, đứt gãy chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt… khiến lạm phát châu Âu tăng rất mạnh trong vỏn vẹn 2 tháng đầu năm, lên tới 5,1% trong khi mục tiêu điều hành chỉ khiêm tốn 2%.
Cung tiền không gây áp lực lớn tới lạm phát
Song, nhiều chuyên gia đánh giá áp lực lạm phát 2022 không đáng lo ngại như giai đoạn năm 2008-2009 bởi có sự khác biệt rất lớn. Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh phân tích, nếu nhìn lại thời điểm 2008 - 2009 là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng với tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng cung tiền M2 rất mạnh dẫn tới lạm phát tiền tệ.
Tín dụng và cung tiền bắt đầu bùng nổ từ năm 2007, kết thúc năm, tín dụng tăng vọt 49,79% còn cung tiền M2 cũng ở mức 49,11%. Với các chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, năm 2008 cung tiền M2 giảm xuống còn 20,7%. Sau đó, vào năm 2009, tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng thêm ở mức 39,6% và cung tiền M2 tăng 29%.
Chuyên gia cho rằng với việc cung tiền bơm ra mạnh mẽ ở thời điểm đó kết hợp cùng giá nguyên vật liệu đã khiến cho lạm phát tăng vọt.
Còn đối với áp lực lạm phát ở thời điểm hiện tại, ông Trần Đức Anh cho rằng chủ yếu do nguyên vật liệu đầu vào tại các nước trên thế giới tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và bất ổn chính trị. Sự khác biệt còn đến từ chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước (NHNN) xuyên suốt trong vài năm trở lại đây đã tương đối thận trọng.
"Tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong hai năm trở lại đây tăng trưởng khoảng 12 - 14%, mức nền này được duy trì trong khoảng thời gian 2018-2019 đến bây giờ và thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó", ông Đức Anh thông tin.
Với việc chính sách tiền tệ của NHNN đã thận trọng hơn đáng kể so với giai đoạn về trước, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV cho rằng lạm phát giai đoạn hiện tại mặc dù có nhưng cũng không quá đáng ngại như giai đoạn năm 2008.
Phân tích về băn khoăn nguy cơ giải ngân gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ tác động tới lạm phát khi tạo ra nguồn cung tiền lớn trên thị trường, từ đó tác động tới lạm phát trong năm 2022 và năm 2023, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có nhiều gói hỗ trợ cụ thể, nhìn qua tưởng là sẽ tạo ra cung tiền ào ạt vào nền kinh tế, nhưng thực tế không phải như vậy.
Ông Lâm phân tích rõ, đơn cử như với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thực ra giải pháp này hoàn toàn không cung tiền ra nền kinh tế mà giảm thuế, giảm thu ngân sách. Hoặc gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng không thực hiện bơm tiền vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ nền kinh tế là những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ và có kế hoạch triển khai bài bản, đúng liều lượng, do đó sẽ không gây ra áp lực lạm phát từ gói này. Áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ này, nếu có chỉ là khi tổng cầu tăng thì phải sử dụng nhiều nguyên vật liệu, đơn cử như việc triển khai gói kích thích đầu tư, qua đó nhu cầu nguyên vật liệu tăng làm giá cả tăng.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.