Áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng Trung Quốc
Trước nguy cơ thép cán nóng nhập khẩu ồ ạt có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng xuất xứ từ Trung Quốc, mức thuế dao động 19,38 - 27,83%.
Ngày 21/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 19,38 - 27,83%. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 8/3.
Trong khi đó, với hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ, kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Vì vậy, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Theo Bộ Công thương, đây là động thái quan trọng nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ nhập khẩu, đồng thời định hình lại thị trường thép nội địa trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

Thép cán nóng từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời (Ảnh: SteelRadar).
Kết quả này được đưa ra sau 8 tháng, kể từ ngày Bộ này khởi xướng điều tra hành vi bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc, trước bối cảnh lượng thép cán nóng về Việt Nam tăng mạnh, trong đó, thép Trung Quốc chiếm 65%. Đáng chú ý, giá thép Trung Quốc thấp hơn 15 - 20% so với giá thành sản xuất trong nước nhờ các chính sách trợ cấp của Bắc Kinh.
Sở dĩ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2024 đã đạt 12,6 triệu tấn tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc này từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể.
Theo quy định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin, tài liệu do các bên liên quan cung cấp và đưa ra kết luận cuối cùng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.
Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi có quyết định được ban hành. Thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ khi có hiệu lực.
Huyền My (t/h)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng (khoảng 160 tỷ USD).