Áp thuế chống bán phá giá với đường mía Thái Lan từ ngày 18/8
Bộ Công thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đường mía của một số công ty Thái Lan từ 18/8/2023 đến 15/6/2026.
Bộ Công thương vừa có Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sản phẩm đường mía còn có nhiều tên gọi như đường cát, đường trắng, đường nâu, đường tinh luyện, đường thô...
Theo Bộ Công Thương, sẽ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ 18/8 tới đây đối với nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd và 4 công ty liên kết; nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết, và Công ty Czarnikow Group Limited.
Các nhóm hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được phân loại theo mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90 và 1702.90.91.
Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất 4,65%. Bộ Công thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 18/8/2023 đến 15/6/2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo quy định của pháp luật).
Trước đó, từ tháng 6/2021, Bộ Công thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với các sản phẩm này là 47,64%. Tháng 8/2022, Bộ Công thương quyết định vẫn giữ mức thuế này.
Kết luận của Cơ quan điều tra vụ việc đã xác định, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã khiến 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả... để triển khai các biện pháp ổn định thị trường đường theo đúng quy định.
Huyền My (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.