Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức

Đầu tư và Tiếp thị
07:28 AM 07/08/2023

Trong những vấn đề kinh tế vĩ mô nổi lên gần đây, một câu hỏi lớn được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm là: "Việt Nam làm thế nào để giữ chân các nhà đầu tư lớn khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được hơn 140 nước đồng thuận sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024".

photo-1691331614953

Thuế tối thiểu toàn cầu, hay gọi đầy đủ là thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là một trong 2 nội dung chính trong Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được 141 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng thuận.

Theo kế hoạch của OECD, các công ty lớn với doanh nghiệp hợp nhất toàn cầu hàng năm đạt ít nhất 750 triệu Euro trong ít nhất 2 năm của chu kỳ 4 năm gần nhất sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu là 15%. Điều này có nghĩa là, nếu công ty đó (hoặc công ty con của công ty đó) đang đóng mức thuế, ví dụ 10%, ở nước mà họ đến đầu tư thì họ sẽ phải đóng mức còn thiếu là 5% ở nước mà công ty đặt trụ sở chính.

Do vậy, những nước nhận đầu tư, cho dù có muốn duy trì chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI thông qua chính sách thuế thì chính sách đó cũng không còn nhiều tác dụng, vì các doanh nghiệp đầu tư vẫn sẽ phải đóng bù khoản thuế còn lại cho nước mà họ đặt trụ sở. Nói cách khác, những ưu đãi thuế mà nước đó tạo ra sẽ không chảy vào túi nhà đầu tư mà chảy vào ngân sách của nước khác.

Mặt khác, nếu nước nhận đầu tư tăng thuế lên 15% để tận thu khoản thuế mà đằng nào nhà đầu tư cũng phải đóng thì ưu thế thu hút đầu tư so với các nước nhận đầu tư khác có thể sẽ sụt giảm.

Mặc dù hiện nay mới chỉ có EU và Hàn Quốc chính thức thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có thể thấy đây sẽ là một xu hướng khó có thể đảo ngược khi nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực xem xét, điều chỉnh pháp luật của mình để áp dụng quy định này.

Một số tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với Việt Nam

Tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%, tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi thì doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, tức là có mức chênh lệch 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu. Trên thực tế, có những doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian, hoặc chỉ phải đóng sau khi doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Như vậy, một khía cạnh tích cực mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung là thu hẹp sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam vốn đã có nhiều lợi thế về quy mô, về công nghệ, về thị trường, nay họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ thuế tương đương với doanh nghiệp Việt Nam, hoặc có chênh lệch thì cũng không quá nhiều.

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn... Số dự án trên là quá nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 1% so với trên 36.000 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD. Nhưng điều đáng nói là số dự án của các doanh nghiệp lớn nói trên lên tới khoảng 131,3 tỷ USD, tức là gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%; thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt: 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Đối với Nhà nước, chính sách thuế tối thiểu cũng sẽ cho Nhà nước một lý do chính đáng để tăng thu thuế với các doanh nghiệp FDI lớn. Tất nhiên, Nhà nước và các doanh nghiệp FDI này chắc chắn cũng sẽ phải thảo luận những ưu đãi khác để bù đắp cho "thiệt thòi" mà các doanh nghiệp này bỗng dưng phải chịu. Nói gì thì nói, đây là những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, quyết định đầu tư của họ đều là những động thái đáng chú ý trong ngành, và cùng với họ sẽ có hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ trong chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng.

Mặt khác, chính sách này hiện mới chỉ tác động đến những doanh nghiệp FDI lớn, còn những doanh nghiệp FDI nhỏ thì chưa bị ảnh hưởng. Như con số ở trên cho thấy, số lượng các doanh nghiệp FDI loại này vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các dự án FDI tại Việt Nam.

Một vấn đề nhức đầu với các nước nhận đầu tư là câu chuyện chuyển giá. Đó là trường hợp doanh nghiệp FDI mặc dù làm ăn có lãi ở Việt Nam, nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên liệu, vật tư, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá ngất ngưởng mà người xuất khẩu không ai khác chính là công ty mẹ ở nước ngoài.

Do đó chi phí chảy từ công ty con về công ty mẹ, làm giảm lợi nhuận và khoản thuế phải đóng ở Việt Nam. Liệu thuế tối thiểu toàn cầu có triệt tiêu hay hạn chế được câu chuyện này không - đây vẫn là câu hỏi cho giai đoạn sắp tới.

"Điều đáng nói là một quyết định có ảnh hưởng ở tầm toàn cầu như vậy lại có thời gian chuyển tiếp thực hiện rất ngắn. Dự kiến, từ đầu năm 2024, tức là chỉ còn 8 tháng nữa, nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng chính sách này. Nếu Việt Nam không phản ứng nhanh, sẽ mất đi một khoản thuế không nhỏ ẽ ra có thẻ được hưởng." Ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Để đáp ứng các yêu cầu về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần sửa đổi ít nhất 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với đó là hàng loạt văn bản dưới luật. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh quy trình xây dựng và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian.

Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư

Sự chú ý hiện nay đổ dồn vào việc các doanh nghiệp FDI lớn - các "đại bàng" theo cách gọi phổ biến gần đây - sẽ có phản ứng thế nào nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Nói cách khác, nếu không còn ưu đãi về thuế thì Việt Nam sẽ có những gì để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.

Theo nhiều ý kiến, môi trường kinh doanh là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội, sự thông thoáng, minh bạch của pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có những vướng mắc bị các nhà đầu tư phàn nàn, nhưng cơ bản môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Yếu tố thứ hai là sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp hỗ trợ. Sự nỗ lực của Samsung để xây dựng trung tâm R&D và chuỗi doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam, chuyển dịch của các vendor lớn của Apple giúp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thay đổi; ngành ô tô thì có sự bứt phá của các nhà đầu tư trong nước như Thaco, Thành Công, VinFast; nhưng với các ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ thì đây vẫn còn là điểm trừ.

Yếu tố thứ ba, đó chính là logistics. Không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không bận rộn của thế giới, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa trong thời gian vừa qua. Logistics đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế. Đây là một lợi điểm để giữ chân và thu hút nhà đầu tư.

Yếu tố thứ tư, đó là nhân lực. Nhân lực giá rẻ vẫn cần, nhưng trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, nhân lực chất lượng cao lại cần thiết hơn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung. Quá trình hội nhập đã tạo ra một nguồn nhân lực có tính thích ứng với kinh doanh quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về tổng thể, đây là một ưu thế vừa phải.

Thứ năm, sự thích ứng với các yêu cầu của tương lai, mà trước hết là yêu cầu về thương mại bền vững và chuỗi cung ứng xanh. Các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng dầu rẻ sẽ không còn là ưu thế nếu như không đảm bảo yêu cầu trung hòa carbon. Việc Việt Nam có cam kết và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo sẽ là một điểm tích cực nữa, nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn.

Sẽ có giải pháp rõ ràng

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết VN đang xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng như có tính đến phương án đàm phán song phương với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại VN.

"Cần thiết hơn thì có những thương lượng đàm phán để kéo dài lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để Chính phủ và các DN có thời gian để chuẩn bị" - ông Sử cho hay.

Theo ông Sử, trong thời gian tới, Cục Đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ có giải pháp rõ ràng, cụ thể để không ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn đầu tư. Đồng thời cục cũng đưa ra ba mục tiêu chính về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho VN.

Thứ nhất là giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, thứ hai là đủ sức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới, cuối cùng đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các DN của các thành phần kinh tế.

Quay trở lại TTCK, chốt phiên giao dịch ngày 4/8, VN-Index tăng 15,03 điểm lên 1225,98 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,12 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 23,094 tỷ đồng. Toàn sàn có 343 mã tăng giá, 127 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 2,64 điểm lên 242,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 108 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1,831 tỷ đồng. Toàn sàn có 124 mã tăng giá, 79 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,68 điểm lên 91,7 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 122,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.402,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 229 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 115 mã giảm giá.

Về diễn biến khối ngoại, hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 166 tỷ đồng trên HOSE và 3,4 tỷ đồng trên HNX, trong khi bán ròng hơn 99 tỷ đồng trên UPCOM.

Khép lại phiên giao dịch ngày 4/8/2023, mã PGT đóng cửa với mức 3,500 VNĐ./

Hãy theo dõi các kênh của PGT Holdings để cập nhật thông tin sớm nhất nhé:

Website: https://pgt-holdings.com/

Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS

‎Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured


PV
Ý kiến của bạn