Australia tài trợ 30 triệu AUD tăng năng lực đầu tư hạ tầng giao thông cho Việt Nam
Aus4Transport (A4T) đã giúp Việt Nam chuẩn bị các dự án nhanh hơn và chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó huy động được hơn 445 triệu USD từ các ngân hàng phát triển đa phương cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đồng chủ trì Hội thảo tổng kết Chương trình Aus4Transport (A4T) vào ngày 13/6 tại Hà Nội.
Hỗ trợ Việt Nam huy động được hơn 445 triệu USD cho hạ tầng giao thông
A4T là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông dài hạn nhằm tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam và góp phần tăng cường mạng lưới giao thông quốc gia, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - xã hội toàn diện và giảm nghèo tại Việt Nam.
Chương trình được Chính phủ Australia tài trợ với nguồn vốn 30 triệu AUD, bắt đầu vào đầu năm 2018 và sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2024 tới đây sau hơn 6 năm triển khai thực hiện.
Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, mục tiêu của chương trình A4T là huy động nguồn tài chính và công cụ tài chính, công nghệ hiệu quả cho các dự án, hoạt động của chương trình hỗ trợ ngành GTVT Việt Nam. A4T đã giúp Việt Nam chuẩn bị các dự án nhanh hơn và chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó huy động được hơn 445 triệu USD từ các ngân hàng phát triển đa phương cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng năng lực và tăng cường thể chế cho Bộ GTVT.
"Cùng với cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, A4T sẽ mang đến sự kết nối lâu dài giữa nhân dân hai nước và tạo động lực tích cực cho hợp tác tương lai trong chương trình hợp tác phát triển sắp tới của chúng tôi", Đại sứ Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.
Đại sứ cũng khẳng định, sau chương trình A4T, hợp tác hai bên sẽ tiếp tục tập trung vào cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; không chỉ các dự án hạ tầng vật lý mà còn có các hoạt động hỗ trợ hạ tầng và các hoạt động khác liên quan như môi trường, bình đẳng giới, các hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án... Australia sẽ luôn song hành cùng Việt Nam trong hành trình nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông.
Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Australia, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, riêng lĩnh vực GTVT, nhiều dự án, công trình đã được triển khai, hoàn thành, không chỉ là những con đường, cây cầu mà còn mang tính biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt này như cầu Cao Lãnh, cầu Mỹ Thuận. Nhờ các công trình này, năng lực làm chủ công nghệ của cán bộ, kĩ sư, công nhân Việt Nam được nâng lên, điển hình như công nghệ cầu dây văng.
"Nhìn lại chặng đường 6,5 năm qua, A4T đã tài trợ không hoàn lại và thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo mà còn tăng cường năng lực cho các cơ quan ngành GTVT", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá.
Việt Nam cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ
Thứ trưởng cũng cho biết: Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của Chính phủ Australia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
"Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ song phương và đa phương với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, chuyển đổi xanh, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", Thứ trưởng khẳng định.
Đánh giá chương trình, ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, A4T đã đạt được các kết quả toàn diện, đồng bộ vì đổi mới phương thức, từ tài trợ sang hỗ trợ với chương trình toàn diện cho các lĩnh vực của ngành GTVT, theo đúng mục tiêu phát triển của Việt Nam, từ chuẩn bị đầu tư hạ tầng, thể chế, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...
Aus4Transport đã hỗ trợ nâng cao năng lực ngành trong việc thiết kế và phát triển các dự án chất lượng cao và đưa vào thực hiện nhanh hơn. Chương trình đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc chuẩn bị và phát triển dự án, đồng thời giúp đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính chất lượng cao cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ưu tiên.
Các hoạt động của chương trình tập trung vào nguyên tắc thực hành tốt nhất về bình đẳng giới, người khuyết tật, an toàn và hòa nhập xã hội. Các hoạt động này nhằm hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội liên quan đến các dự án giao thông, phát triển giao thông công cộng dễ tiếp cận cho người khuyết tật và nâng cao kỹ năng cũng như nhận thức về an toàn đường bộ, kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ rừng, phòng chống HIV/AIDS và nạn buôn bán người.
Một số dự án, hoạt động điển hình như: Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; Cập nhật Báo cáo đánh giá tác động môi trường - xã hội dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Chi phí - Lợi ích về môi trường - xã hội trong các dự án hạ tầng GTVT; Bình đẳng giới, người khuyết tật và hòa nhập xã hội; Rà soát, đánh giá và khuyến nghị về kết quả nghiên cứu quy hoạch các cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Quốc và cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó là dự án Hệ thống thông tin quản lý tích hợp để hỗ trợ cải thiện giao thông đường thủy nội địa; Nghiên cứu đề xuất nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc; Dự án Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Những bài học quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam sửa đổi Luật Đường sắt; Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Hai bên cũng tiếp tục xem xét các cơ hội hỗ trợ của Australia trong tương lai cho ngành giao thông vận tải Việt Nam.
Phan TrangBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.