Bà chủ 110 phòng trọ ở Sài Gòn được nhiều khách thuê quý, coi như ân nhân
Vừa chỉ dạy những điều hay lẽ phải, vừa giúp đỡ về vật chất tinh thần, bà Nguyễn Thị Thành, chủ của 110 phòng trọ tại TP.HCM được nhiều khách trọ quý mến.
Ở tuổi 66, tay chân đã chậm chạp, nhưng ngày nào bà cũng chống gậy sang thăm nom khu lưu trú 110 phòng.
Gặp bà Nguyễn Thị Thành đúng lúc bà đang ăn bữa trưa. Bận trên mình bộ quần áo giản dị, cơm canh đạm bạc, ít ai nghĩ rằng, bà là "đại gia" nhà đất. Vợ chồng bà đang sở hữu 110 phòng trọ tại ấp Đông 1 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
"Tôi thấy đời sống người dân xa quê lên đây mưu sinh được ổn định, có chỗ ăn nghỉ, được sống trong môi trường an toàn, vậy là tôi vui. Sau khoảng thời gian sống cùng nhau, gắn bó, giúp đỡ, biết được người ta mến mình. Vì đề nghị của họ, tôi đã mở rộng dần khu trọ từ hơn 10 phòng lúc ban đầu đến 110 phòng như hiện tại", cụ bà gần 70 tuổi cho hay.
Gia đình bà Thành cũng đi tiên phong trong việc thành lập Khu lưu trú văn hóa, nhằm nâng cao đời sống của dân cư ở trọ. Hiện nay, toàn thành phố có gần 50 khu.
"Nhờ cô Tư chúng tôi mới vượt qua được mùa dịch Covid-19"
Khách thuê trọ của gia đình bà Thành chủ yếu là những người tứ xứ, từ Thái Bình, Nghệ An, Đắk Lắk xuống Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… Phần lớn họ làm công nhân trong các công ty trên địa bàn xã Thới Tam Thôn. Một số người chạy xe ôm công nghệ, hoặc một vài mẹ bận con nhỏ thì ở nhà. Họ đều có đặc điểm là chịu khó, hiền lành, thật thà. Cũng bởi thương cho hoàn cảnh lẫn tính tình của họ, bà Thành càng muốn chia ngọt sẻ bùi.
Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống của người dân trong Khu lưu trú số 1 của gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn. Phần vì lượng công việc của họ bị giảm tải, thu nhập thấp, phần vì con nhỏ nghỉ học, ở nhà không ai trông. Thấu hiểu điều đó, bà Thành quyết định giảm một nửa tiền phòng trong 2 tháng, giảm bớt tiền điện trong 3 tháng cho khách ở trọ.
Với vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2020, anh chị vô cùng bối rối vì hai con nhỏ đang học tiểu học được nghỉ. Ông bà nội ngoại đều quá xa, không thể cậy nhờ. Đúng lúc đang lo lắng chưa tìm được giải pháp, bà Thành đã giúp chị.
"Hôm đó, cô Tư (cách gọi của khách trọ đối với bà Thành) gọi tôi lên và nói để cô trông giúp hai đứa nhỏ. Vợ chồng tôi cứ yên tâm đi làm. Cô biết chúng tôi chẳng dư giả gì nên nhận trông giúp chứ không lấy tiền. Lúc ấy, tôi vô cùng xúc động. Suốt 13 năm tôi sống ở đây, tôi được cô chú thương như con cháu trong nhà", chị Ngọc tâm sự.
Căn phòng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thuê 13 năm. Từ ngày còn là con gái, đến nay chị đã có chồng con, gia đình yên ấm.
Trong thâm tâm mình, chị Ngọc luôn ghi nhớ rằng, vợ chồng bà chủ nhà chính là ân nhân của mình. Chị ở trọ nhà bà từ khi còn chưa lập gia đình. Cũng tại đây, chị Ngọc gặp anh Thanh (quê Đồng Tháp) rồi nên duyên vợ chồng. Sinh hai đứa con, bà Thành đều tặng bỉm, sữa. Đứa út của vợ chồng chị còn được bà tắm rửa, chăm sóc.
Dù thời gian gắn bó chưa lâu như chị Ngọc, nhưng với khoảng thời gian 6 năm ở trọ tại đây, chị Phạm Thị Thùy (quê Đắk Lắk) cũng có chung suy nghĩ về người chủ nhà tốt bụng.
Khoảng một năm nay, chị Thùy sinh và nuôi con nhỏ nên chỉ ở nhà chăm con. Một mình chồng chị đi làm nuôi gia đình, nhưng cuộc sống càng khó khăn hơn trong mùa dịch Covid-19. Thấy vậy, cứ lúc lúc, bà lại chống gậy đi sang hỏi han, thăm nom.
Cũng nhờ sự thấu hiểu kịp thời, giảm tiền phòng, và những phần quà như gạo, rau củ, trứng, thịt mà bà xin được từ Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, hay từ xã, ấp đã giúp cho dân cư trong Khu lưu trú số 1 vượt qua mùa dịch dễ dàng hơn.
"Không chỉ tạo điều kiện cho người ở lâu, đối với những người vừa tới nhưng chưa tìm được việc, cô Thành thường giới thiệu việc làm, chỉ bảo, dẫn dắt cho làm nghề để mọi người nhanh ổn định cuộc sống", chị Ngọc cho biết thêm.
Bà Thành sang thăm hai mẹ con chị Thùy. Đứa trẻ chưa đầy năm đã quá quen với bà nên tươi cười cất tiếng: "A! A!"
Bà chủ luôn "hết mình" với khách trọ
Khoảng thời gian này, những đứa trẻ trong khu lưu trú lại bắt đầu thấy rộn ràng, bởi sắp đến ngày 1 tháng 6. Năm nào, vào các dịp Tết Thiếu nhi và Tết Trung thu, khu trọ của bà Thành cũng đều tổ chức phát quà cho trẻ nhỏ.
Cùng với sự chung tay của Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, gia đình bà Thành tự mua thêm quà mới đủ cho khoảng 50 em nhỏ. Còn mỗi đợt cuối năm, bà lại họp tất niên và phát quà Tết cho xóm trọ. Họ cùng tổng kết xem một năm qua, Khu lưu trú văn hóa số 1 của bà đã làm được những gì.
Những đứa trẻ trong xóm trọ đều thân thiết với "bà Tư".
Mỗi năm, bà sẽ lại nghĩ ra những chương trình mang lại lợi ích thiết thực nhằm khích lệ cho dân cư trong Khu. Năm nay, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đời sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà Thành đang lên kế hoạch triển khai xin học bổng cho những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu học mà có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, đối với những người thuê ở trọ lâu năm, thật thà, hiền lành, bà sẽ hỗ trợ làm KT3 (sổ tạm trú dài hạn) để người dân yên tâm sinh sống, làm việc.
Mỗi năm, trong khu lưu trú của bà lại có thêm vài cặp vợ chồng trẻ tham gia chương trình Lễ cưới tập thể của thành phố. Họ là những người trẻ xa quê, không có điều kiện tổ chức tại địa phương.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhưng bà Thành vẫn thường tự mình chống gậy sang thăm khu trọ. Bà chia sẻ: "Đối với những khách trọ trẻ, tôi thường xem như con để dặn dò. Các con ở nhà trọ là ở tập thể. Có điều gì không hài lòng với nhau thì phải kêu cô xử lý. 6 đứa con của mình còn có lúc này lúc kia, huống gì là hơn 200 con người, ban đầu đều xa lạ. Tôi tuyệt đối không cho những người trong nhà trọ lớn tiếng cãi cọ hay va chạm. Tình nghĩa chòm xóm ra vô nhìn mặt nhau, nếu có vấn đề gì thì khó coi lắm".
Cũng nhờ có sự đùm bọc, quan tâm và chỉ dạy của bà, những người sống trong khu lưu trú đều cảm thấy an tâm và ấm áp. Họ vốn là những người phải rời xa quê hương vì cuộc sống mưu sinh. Nay như gặp được mái ấm thứ hai của mình.
Các Khu lưu trú văn hóa do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM kết hợp với các chủ trọ trên toàn địa bàn thành phố để thực hiện; nhằm mục tiêu chăm lo, hỗ trợ thiết thực về đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân ở các khu nhà trọ trên địa bàn TPHCM. Tại TPHCM hiện nay có gần 50 Khu lưu trú văn hóa. Những công nhân cư trú trong các khu lưu trú văn hóa được hỗ trợ ổn định giá thuê phòng trọ, không tăng giá điện, nước, được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ do trung tâm thực hiện. Bên cạnh đó, công nhân còn được tham gia các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, các phương pháp bảo vệ sức khỏe… (Theo Sài gòn Giải phóng) |
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.