Ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam

Kinh doanh
07:46 AM 24/11/2020

Có ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là sản xuất và xuất khẩu, là đầu tư công và đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam

Năm 2020, trong bối cảnh rất khó khăn do dịch bệnh COVID - 19, nền kinh tế nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Ước thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.

Ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường. 

Với mục tiêu tổng quát là tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững… 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 6,7%.

ngày 24/11/2020, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức "Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế" nhằm phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, có ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là sản xuất và xuất khẩu chính là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021. Thứ hai là đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh do điều hành quyết liệt hơn và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn. Thứ ba là đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Ông Thành nhận định, các lĩnh vực có lợi thế so sánh, cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giầy, thuỷ sản, nông sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục là xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, gắn với chuyển đổi số, công nghệ sẽ chi phối mạnh mẽ.

Còn theo bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2021, với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế.

Đây là một yếu tố quan trọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, việc tham gia và thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hoàng Mai (T/H)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.