Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2024
Trong kịch bản thuận lợi nhất, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra dự báo, trong quý I/2024, TP.HCM sẽ tăng trưởng khoảng 6 - 7,12%.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng của TP.HCM trong quý I/2024.
Theo đó, với kịch bản bất lợi là các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, xung đột chính trị trên thế giới tiếp tục leo thang, dịch bệnh khó lường, các động lực tăng trưởng kinh tế mới chưa phát huy thì GRDP của TP.HCM dự báo đạt khoảng 5,39% (dao động trong 4,83-5,95%).
Còn với kịch bản cơ sở là tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tuần hoàn thì GRDP quý 1 của TP.HCM dự kiến đạt 6,05%, dự báo khoảng 5,49 – 6,61%.
Kịch bản thuận lợi nhất, là môi trường quốc tế và trong nước chuyển biến thuận lợi, các yếu tố rủi ro được dự báo tốt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các yếu tố khai thác tốt, niềm tin người dân và doanh nghiệp được củng cố thì quý 1, TP.HCM dự kiến tăng trưởng ở mức 6,56% (dao động trong 6-7,12%).
Ba kịch bản trên dựa vào nhiều cơ sở thực tế. Theo đó, trong tháng 1/2024, TP.HCM ghi nhận một số điểm thuận lợi khi sức mua tiêu dùng, hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, thị trường tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp cho vay vốn sản xuất có nhiều chuyển biến.
Dù vậy, còn một số khó khăn như xuất nhập khẩu còn gặp khó khăn do tổng cầu giảm mạnh, giá một số mặt hàng giảm, chỉ số tồn kho tăng cao, một số ngành sản xuất đối diện nhiều khó khăn, một số loại thuế về môi trường áp dụng ở thị trường châu Âu, tín chỉ carbon… tạo nên nhiều thách thức.
Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu hiệu lực và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các loại thuế môi trường áp dụng ở châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác của thành phố cũng đánh dấu cơ hội và thách thức đan xen mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và ngoại thương.
Trước tình hình trên, TP.HCM đã có những hành động quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024, như: Tập trung vào công tác dự báo, đặt hàng các Viện, trường đại học tham gia nghiên cứu, tham vấn ý kiến, thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, liên kết vùng, khuyến mãi, thúc đẩy thương mại điện tử, kích thích cầu tiêu dùng gắn với dịp Tết Nguyên đán.
Minh An (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.